Thực hiện Nghị quyết số 128/NĐ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, việc đi lại của người dân được nới lỏng hơn so với trước đây. Do đó, một bộ phận người dân đã nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là khiến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây.
Mục tiêu Nghị quyết số 128 là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, ca chuyển nặng, tử vong do dịch COVID-19, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đồng nghĩa với không thể có “Zero Covid”, nhưng phải hạn chế tối đa sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh. Chính vì vậy, thay vì áp dụng các quy định nghiêm ngặt như trước đây, tỉnh Thái Nguyên và các địa phương trong cả nước đã“nới lỏng” những biện pháp phòng, chống dịch nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, do háo hức quay trở lại nhịp sống bình thường, do cuộc sống mưu sinh, một bộ phận người dân đã chủ quan trước dịch bệnh. Các hoạt động không cần thiết như tụ tập, tiệc tùng, họp mặt đông người vẫn diễn ra ở một số nơi, tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Hậu quả của sự lơ là, chủ quan đó là việc một số người trong diện nguy cơ cao đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người đã khiến cho tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến phức tạp hơn.
Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch được ghi nhận. Nguyên nhân là do người ngoại tỉnh đến địa phương hoặc công dân của tỉnh trở về từ các vùng khác nhưng chưa tự giác khai báo y tế, hoặc chậm khai báo y tế. Ý thức cách ly tại nhà của một số người chưa cao.
Cụ thể, với các ca dương tính với COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên ghi nhận sau khi tỉnh thực hiện “nới lỏng”, cả 2 người đều có lịch trình di chuyển phức tạp tại T.P Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Khi về Thái Nguyên, cả hai đã đi nhiều nơi, tiếp xúc, ăn uống với nhiều người trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hậu quả là nhiều người bị lây nhiễm bệnh từ 2 ca F0 này.
Gần đây, tối 24-11, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là anh Đ.Đ.K, trú tại xóm Chùa 2, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên), nhân viên một công ty ở Khu công nghiệp Yên Bình. Ngày 18-11, anh K. đi đám hiếu tại nhà bạn ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), sau đó trở về công ty làm việc bình thường và đi lại, tiếp xúc với nhiều người. Hay như anh T.H.T, trú tại tổ 12, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) ngày 19-11 di chuyển đến xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (Hải Dương), sau đó trở về Thái Nguyên làm việc, sinh hoạt bình thường. Đến ngày 23-11, anh T. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2...
Tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 xóm Đền, xã Quân Chu (Đại Từ) là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc ngăn chặn dịch lây lan tại địa phương.
Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mọi người dân trở về từ tỉnh ngoài (đặc biệt là vùng có dịch) đều có nguy cơ nhiễm bệnh, chính vì vậy, “vắc-xin ý thức” càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, khi các biện pháp phòng, chống dịch được “nới lỏng” thì mỗi người dân càng cần phải nâng cao ý thức, tự đề cao cảnh giác, chủ động khai báo y tế, hạn chế đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người và thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” để bảo vệ sự an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 2.336 tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng/2.336 xóm, tổ dân phố và 178 tổ cơ động phòng, chống dịch COVID-19 tại 178 xã, phường, thị trấn, với trên 15 nghìn thành viên. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và tỉnh thực hiện các quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới như hiện nay, trọng trách của các tổ này càng lớn hơn, đòi hỏi việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” phải được thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn.
Ông Trần Văn Được, Trưởng xóm, Tổ phó Tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 xóm Đền, xã Quân Chu (Đại Từ) cho biết: Về trường hợp 2 ca dương tính với COVID-19 trên địa bàn, ngay khi nắm được thông tin có 2 người về từ T.P Nha Trang (Khánh Hòa) vào ngày 4-11, thành viên Tổ tự quản của xóm đã đến tuyên truyền, yêu cầu khai báo y tế, hạn chế đi lại. Sáng 5-11, 2 người trên đã đến Trạm Y tế xã khai báo và được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả âm tính. Đến ngày 10-11, Trạm Y tế xã tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm của cả 2 người và cho kết quả dương tính. Do đã được nhắc nhở nên từ ngày 5 đến 10-11, 2 người này chủ yếu tiếp xúc với người thân và có 1 lần đi lấy thuốc ở xóm bên cạnh, qua đó công tác khoanh vùng, dập dịch được thực hiện thuận lợi hơn.
Tuy chưa có văn bản cụ thể nào nói về việc “sống chung với dịch”, nhưng nội dung này vẫn thường xuyên được nhắc đến trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn mới. “Sống chung với dịch” được xem như là một xu thế tất yếu, giúp người dân có điều kiện đi lại, làm việc, từng bước nối lại nhịp sống đời thường và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, nếu người dân nâng cao ý thức, cùng với sự sát sao, quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nhất là các tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19, tình dịch trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ sớm được kiểm soát.