Khởi đầu gian khó và khát vọng vươn lên

08:15, 29/12/2021

L.T.S: Trên cơ sở nguyện vọng, đề xuất của đông đảo nhân dân và các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh Bắc Thái, căn cứ Tờ trình của Chính phủ, ngày 6/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết phê chuẩn việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Theo đó, từ ngày 1/1/1997, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn được tái lập, mở ra chặng đường phát triển mới cho mỗi địa phương.  Để góp phần ôn lại lịch sử, tuyên truyền về sự kiện quan trọng này, từ số báo hôm nay (29-12), Báo Thái Nguyên mở chuyên mục “Hướng tới kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên”. Mời độc giả đón đọc và truy cập thông tin trên báo Thái Nguyên điện tử tại địa chỉ: https://baothainguyen.vn

Tại thời điểm tái lập (tháng 1-1997), tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính, gồm: T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công và 7 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên; tổng diện tích tự nhiên trên 3.541km2, với số dân trên 1 triệu người; tỉnh lỵ là T.P Thái Nguyên. Trải qua 25 năm sau khi tái lập, từ một tỉnh nghèo thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực.

Trải qua 25 năm sau khi tái lập, từ một tỉnh nghèo, Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực. Trong ảnh: Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: T.L

 

Gian nan ngày tái lập

Là tỉnh miền núi và trung du, thời điểm mới tái lập, Thái Nguyên có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng, với các lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên khoáng sản, rừng… Tỉnh có nhiều cơ sở công nghiệp lớn của Trung ương, trong đó đáng chú ý là Khu công nghiệp Gang Thép, các nhà máy cơ khí Sông Công, Phổ Yên cùng công nghiệp khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, gia công, các nhà máy quốc phòng. Thái Nguyên còn là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước, bao gồm 4 trường đại học, 20 trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, 8 trạm trại nghiên cứu… với đội ngũ trí thức và cán bộ khoa học, kỹ thuật đông đảo. Là trung tâm của vùng Việt Bắc, tỉnh nằm sát vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có hệ thống giao thông thuận lợi và kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, Thái Nguyên sau khi tái lập vẫn là một tỉnh nghèo, thu không đủ chi. Nền kinh tế phát triển không đồng đều và chưa vững chắc, thiếu vốn đầu tư cho phát triển. Cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư ban đầu nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Các cơ sở công nghiệp của Trung ương chủ yếu là công nghiệp nặng, xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ XX nên thiết bị và công nghê lạc hậu, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Mặt bằng dân trí tuy đã cao hơn so với một số tỉnh miền núi nhưng phân bổ không đều. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và phần lớn nhân dân vẫn mang nặng nếp nghĩ, cách làm thời bao cấp cùng với tập quán canh tác lạc hậu…

Đó là những khó khăn không nhỏ đối với một tỉnh mới tái lập. Tuy khởi đầu với rất nhiều gian khó nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Thái Nguyên đã san sẻ nguồn nhân lực cho tỉnh bạn Bắc Kạn. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện và nhiều điều kiện khác để hai địa phương cùng phát triển.

Kiên định đổi mới để phát triển

Với mục tiêu đưa địa phương tiến nhanh và bền vững, trải qua 6 kỳ đại hội từ khi tái lập (từ Đại hội XV đến Đại hội XX), Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn định hướng, lựa chọn con đường đổi mới để phát triển. Đồng thời, có quyết sách đúng đắn cho từng giai đoạn cụ thể. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1965-2020 có ghi: Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã biết khai thác thế mạnh, phát huy mọi nội lực, từng bước khắc phục khó khăn. Nhờ vậy, trong gần 1 năm kể từ ngày mới được thành lập, nhịp độ phát triển kinh tế trong tỉnh vẫn đảm bảo tốt.

Khu vực đường tròn trung tâm T.P Thái Nguyên những năm 1990. Ảnh: Tư liệu

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần đầu tiên sau khi tái lập tỉnh (Đại hội lần thứ XV, diễn ra tháng 11-1997), Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2000 là: “Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, xây dựng Thái Nguyên giàu đẹp với cơ cấu kinh tế công - nông, lâm nghiệp - dịch vụ; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để cùng cả nước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa…”.

Tại Đại hội lần thứ XX (tháng 10-2020), Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.

Hiện thực hóa định hướng và những chủ trương đúng đắn, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, quan tâm đến việc tổ chức sắp xếp bộ máy, tạo đột phá và nâng cao chất lượng công tác cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Nhờ vậy, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Minh chứng rõ nét nhất là trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã hoàn thành toàn diện 19/19 chỉ tiêu nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,1%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nổi bật nhất là giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm, vươn lên đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ…

Trải qua 25 năm tái lập tỉnh với với rất nhiều khó khăn, thách thức, Thái Nguyên đang gặt hái những mùa “quả ngọt”. Có thể khẳng định, những đường lối, quyết sách của Đảng bộ và chính quyền các cấp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Khát vọng phát triển và đường hướng phù hợp đã giúp Thái Nguyên có những bứt phá thành công trong từng giai đoạn đã qua.