Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 đơn vị bưu chính với gần 1.000 nhân viên, người lao động. Trung bình mỗi năm, các đơn vị này giao, nhận gần 11 triệu bưu phẩm, bưu kiện. Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các đơn vị chuyển phát nhanh đã chủ động xây dựng phương án và triển khai linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hàng hóa được lưu thông kịp thời đến khách hàng, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới.
Trung tâm Khai thác vận chuyển (thuộc Bưu điện tỉnh) hiện có 111 nhân viên, trong đó có 7 nhân viên lái xe trực tiếp vận chuyển hàng hóa đi các huyện, thành, thị trong tỉnh và 75 bưu tá chuyên giao công văn, giấy tờ, hàng hóa trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm giao, nhận khoảng 40 tấn hàng, có thời điểm lên đến 60 tấn. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lực lượng làm nhiệm vụ chuyển phát nhanh (bưu tá) của Trung tâm đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch trong quá trình làm việc, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Anh Triệu Ngọc Hoàng, bưu tá của Trung tâm bắt đầu công việc hàng ngày từ 8 giờ 30 sáng và kết thúc công việc lúc 19 giờ. Sau khi hoàn tất việc đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và quét mã QR khai báo y tế trước cửa Trung tâm, anh Hoàng cùng các đồng nghiệp nhận hàng và vận chuyển đi giao. Anh có nhiệm chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện tại 2 phường Túc Duyên và Trưng Vương. Trung bình anh Hoàng giao từ 70-100 đơn hàng/ngày.
Anh Hoàng chia sẻ: Hàng ngày, tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng nên nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khá cao, vì thế tôi luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, như: Đeo găng tay, khẩu trang, kính chắn giọt bắn, đứng xa khách hàng trên 2m, sát khẩu tay sau khi giao hàng xong...
Cùng với Bưu điện tỉnh, hiện nay, tại các bưu điện huyện, thành, thị đều có Trung tâm khai thác vận chuyển với tổng số 232 bưu tá. Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Thái Nguyên, Bưu điện tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch. Các trang thiết bị phòng, chống dịch cho nhân viên, người lao động cũng được đơn vị trang bị đầy đủ. Đặc biệt là đối với những nhân viên chuyển phát nhanh đơn vị đã ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trước; đến nay, 100% nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi và chuẩn bị tiêm mũi thứ 3. Ngoài ra, chúng tôi quy định khách hàng không được trực tiếp vào bên trong Trung tâm để lấy hàng như trước đây mà chỉ nhận hàng thông qua đội ngũ bưu tá hoặc tại điểm lấy hàng cố định... Nhờ đó, đơn vị không để xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ bưu phẩm, bưu kiện.
Nhân viên chuyển phát nhanh của Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên giao hàng cho khách hàng tại phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên).
Đối với Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên, đơn vị hiện có 16 điểm giao, nhận hàng hóa với 180 nhân viên giao hàng tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với trung bình mỗi tháng khoảng 200.000 bưu phẩm, bưu kiện các loại. Ông Nguyễn Quốc Trường, Giám đốc Chi nhánh thông tin: Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19; đưa ra các tình huống, phương án nếu trường hợp xấu nhất xảy ra thì vẫn phải đảm bảo về kinh doanh, duy trì luồng hàng, cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Đối với các nhân viên giao hàng, ngoài việc được trang bị các thiết bị phòng, chống dịch, họ còn được test COVID-19 tối thiểu 1 lần/tuần để sớm phát hiện ra các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2.
Anh Đỗ Tân Tri, Quản lý Trung tâm Phát nhanh nội tỉnh (thuộc Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên) cho hay: Trung tâm hiện có 17 nhân viên giao hàng trực tiếp, có nhiệm vụ giao hàng cho khách hàng tại 6 phường phía Nam của T.P Thái Nguyên. Chi nhánh thường xuyên thuê nhân viên y tế đến phun khử khuẩn tại Trung tâm mỗi tuần 1 lần. Khi các xe giao, nhận hàng đến nơi thì tài xế sẽ ngồi trên xe và chúng tôi tự vận chuyển hàng hóa lên, xuống. Với những khách hàng đang thuộc diện đang cách ly y tế hoặc ở tại các khu vực cách ly, chúng tôi sẽ liên hệ lại với bên gửi để lùi thời gian giao hàng, nếu khách hàng không đồng ý, đơn vị sẽ gửi lại hàng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu chuyển phát nhanh hồ sơ, văn bản, hàng hóa... qua dịch vụ bưu chính tăng cao. Trước tình hình đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong quá trình giao, nhận hàng hóa; tăng cường nguồn nhân lực để đảm bảo hàng hóa được phục vụ kịp thời, nhanh chóng, bảo đảm luồng vận chuyển thông suốt...