Tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn bộn bề khó khăn, việc về đích nông thôn mới (NTM) không hề đơn giản, nhất là trong thực hiện tiêu chí giao thông. Vậy nhưng, cũng chính tại những địa phương còn gian khó đó của huyện Đại Từ, đội ngũ người có uy tín đã nỗ lực không ngừng để vận động cộng đồng cùng tham gia xây dựng những tuyến đường khang trang, rộng rãi, thể hiện rõ nét nhất qua phong trào hiến đất làm đường.
Trở lại xã Phúc Lương những ngày này, chúng tôi cảm thấy bất ngờ trước sự đổi thay của bộ mặt nông thôn nơi đây. Những tuyến đường lầy lội, lối đi um tùm cỏ dại ngày nào giờ đã được thay thế bằng đường bê tông sạch đẹp.
Ông Tống Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Phúc Lương tự hào: Để các tuyến đường có thể thi công thuận lợi, ngoài thành lập Ban vận động, xã còn huy động sự vào cuộc của những người có uy tín tại các xóm có tuyến đường đi qua. Nhiều người trong số họ đã không quản đường sá xa xôi, đi từng nhà, gặp từng người để vận động. Là người có sức ảnh hưởng với đồng bào, “nói dân nghe, làm dân tin” nên khi có tiếng nói của người uy tín, 100% người dân đều đồng thuận hiến đất, chặt bỏ cây cối, tháo dỡ công trình để thi công các tuyến đường. Đơn cử như bà Dương Thị Vượng, ở xóm Na Sơn đã hiến gần 3.000m2 đất trồng chè; ông Đào Văn Khuyên, xóm Thành Long hiến gần 1.000m2 đất trồng chè, cây ăn quả, ao cá…
Tính đến cuối năm 2021, xã Phúc Lương đã vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn hiến trên 40.000m2 đất để xây dựng 7 tuyến đường liên xóm, liên xã với tổng chiều dài gần 8km. Đây là tiền đề giúp xã hoàn thành tiêu chí giao thông và phấn đấu cán đích NTM trong năm tới.
Tương tự như Phúc Lương, xã Đức Lương từng được biết đến là địa phương thuộc tốp cuối của huyện Đại Từ về phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đến nay, 100% các tuyến đường liên xã, liên xóm, trục xóm với tổng chiều dài trên 20km trên địa bàn đều đã cứng hóa. Có được kết quả đó, một phần nhờ vào hoạt động của đội ngũ người có uy tín tại địa phương.
Tuyến đường liên xóm Thống Nhất - Cây Xoan - Trung tâm dài 2,6km vừa mới hoàn thành là một ví dụ. Ông Đào Quang Vinh, người uy tín, Bí thư Chi bộ Cây Xoan, cho biết: Ban đầu, nghe tin Nhà nước làm đường bê tông bà con rất phấn khởi, thế nhưng khi biết tuyến đường sẽ mở rộng vào nhiều diện tích đất chè, đất lúa, không ít hộ cũng có băn khoăn. Biết vậy, tôi đã đến từng nhà để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Người dân ở đây tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng sau khi nghe phân tích, hiểu được lợi ích của tuyến đường mang lại thì ai cũng vui vẻ nhường đất để mở đường. Cụ thể, gần 50 hộ dân đã tự nguyện hiến gần 6.500m2 đất.
Không chỉ vận động người dân hiến đất, bản thân những người uy tín cũng phát huy vai trò nêu gương khi nhiều người trong số họ đã tiên phong hiến đất, có người hiến hàng nghìn m2 để làm đường. Ông Lý Ngọc Bàn, người uy tín ở xóm Đồi, xã Đức Lương, người đã tham gia hiến 1.500m2 đất để làm đường, chia sẻ: Người ta thường nói “tấc đất, tấc vàng”, nhưng làm ra cân chè hay quả cam, quả bưởi mà không có đường đi thuận lợi thì rất khó tiêu thụ, lại không được giá. Suy nghĩ như vậy nên khi cấp ủy, chính quyền đề cập đến việc cần lấy thêm đất để mở rộng lòng đường, tôi đồng ý ngay và vận động mọi người cùng tham gia hiến đất, góp công. Từ sự đồng lòng, nhất trí của người dân, thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng làm đường giao thông ở xóm luôn thuận lợi, không gặp bất cứ khó khăn nào.
Với cách làm tương tự, nhiều tuyến đường khác trên địa bàn huyện Đại Từ cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, huyện Đại Từ đã đầu tư trên 260 tỷ đồng xây dựng và cải tạo, nâng cấp được trên 350km đường giao thông các loại. Trong đó, gần 80 tỷ đồng do nhân dân đóng góp bằng tiền, nhân công, hiến đất và tài sản trên đất. Trong phong trào ấy đều có bóng dáng tất tả ngược xuôi để tuyên truyền đồng bào hiến đất, góp của, góp công của những người có uy tín.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Hồng Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đại Từ thông tin: Toàn huyện có 166 người có uy tín tại 23 xã trên địa bàn. Không chỉ nêu gương trong chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, nhiều người có uy tín còn đi đầu, vận động bà con tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để làm đường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tham mưu cho UBND huyện biểu dương, khen thưởng, ghi nhận những đóng góp của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, quan tâm kịp thời đối với người có uy tín trên địa bàn…