Hiện đang là thời điểm đầu năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, cũng là cơ hội để thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trà trộn vào thị trường. Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp trước, trong và sau Tết.
Dạo quanh một số chợ đầu mối như: Chợ Thái, Đồng Quang, Túc Duyên và một số siêu thị trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi quan sát thấy hàng hóa được bày bán đa dạng và phong phú. Trong đó, các mặt hàng Tết như: Bánh, mứt, kẹo, hướng dương, nước ngọt, bia, rượu và các nhu yếu phẩm được bày bán với số lượng lớn hơn ngày thường.
Chị Nguyễn Thị Mai, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, nhà tôi đã nhập hàng với số lượng nhiều gấp 2 lần ngày thường. Các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và được dán tem nhãn đầy đủ. Năm nay, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng đến nay, sức mua vẫn ổn định, tôi luôn chủ động để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh nhiều loại hàng hóa của các thương hiệu lớn có nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, vẫn còn tình trạng hàng không đảm bảo chất lượng, không có nhãn mác, nguồn gốc được bày bán tại các chợ, cửa hàng kinh doanh. Đặc biệt là các loại bánh, mứt, kẹo, ô mai… được bày bán theo khay hoặc túi ni-lon nhưng không hề có xuất xứ, nơi sản xuất hay bất cứ thông tin nào về sản phẩm. Khi được hỏi về nguồn gốc, đại diện các cơ sở kinh doanh đều trả lời đây là bánh kẹo nhập ngoại, đảm bảo về chất lượng. Ngoài ra, các loại thịt bò, thịt gà nhập khẩu cũng được rao bán trên mạng Internet mà không có mã vạch hay bất kì thông tin nào về ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe. Trên thực tế, cơ quan chức năng từng phát hiện nhiều sản phẩm đông lạnh được “phù phép” từ những loại thịt ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh được vận chuyển, bày bán trên thị trường…
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022. Theo đó, Sở đã thành lập đoàn liên ngành, chuyên ngành để kiểm tra các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở thu gom thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ thịt như: Giò, chả, xúc xích, dăm bông; cơ sở kinh doanh hoa quả nhập khẩu và nông sản tươi, nông sản sấy khô…
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Phán, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Đợt kiểm tra ATVSTP sẽ kéo dài từ ngày 5-1 đến 10-3. Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo ATVSTP như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; giấy cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường… Đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP theo quy định khi cần thiết. Cùng với hoạt động kiểm tra, chúng tôi còn lồng ghép truyền thông về bảo đảm ATTP cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; kịp thời công khai xử lý các trường hợp vi phạm.
Cùng với sự vào cuộc tích cực, để phòng tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành chức năng khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng.