Đổi mới trong kiểm soát thị trường

11:41, 18/01/2022

Chỉ sau 1 tháng ra quân, Đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời điểm cuối năm 2021 và dịp trước, trong, sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở; qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu trị giá hàng hóa lên tới khoảng 2,5 tỷ đồng.

Theo ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh: Ngay sau khi có Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của Chủ tịch UBND tỉnh, Cục QLTT - đơn vị được giao chủ trì đã xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh và triển khai thực hiện. Đoàn đã xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên, trong đó đề nghị các ngành thành viên theo chức năng, quyền hạn của mình, thực hiện rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, để đề xuất với Trưởng đoàn kiểm tra về các cơ sở, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm.

Để thuận tiện trong quá trình hoạt động, Đoàn đã phân công và chia tổ công tác để xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên. Khác với những năm trước, năm nay, Đoàn kiểm tra đã xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết theo tuần, qua đó xác định được đối tượng, nội dung cần kiểm tra theo từng thời điểm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

Đơn cử như vào thời điểm cuối năm 2021 và trước Tết Nguyên đán, Đoàn chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết và vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ đầu mối, siêu thị, địa điểm tập kết hàng hóa lớn và trên môi trường mạng. Thời điểm trong Tết, Đoàn chú trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, buôn bán, sử dụng hàng cấm là pháo nổ… Còn sau Tết sẽ tập trung kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đối với các sản phẩm vật tư nông nghiệp.

Một trong những nguyên tắc được Đoàn kiểm tra liên ngành đặt ra là các vụ việc phải được tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm; trong quá trình kiểm tra, xử lý không gây phiền hà, sách nhiễu, lợi dụng việc kiểm tra để trục lợi cho bản thân, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đối tượng được kiểm tra.

Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động trên nên chỉ sau 1 tháng ra quân (từ 15/12/2021 đến 15/1/2022), Đoàn đã kiểm tra 15 cơ sở, qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu trị giá hàng hóa lên tới khoảng 2,5 tỷ đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện thoại di động, hàng điện tử, quần áo, thuốc lá. Có những vụ, trọng lượng hàng hóa thu giữ lên tới vài tấn.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, một số vụ có quy mô, mức độ, tính chất rất phức tạp; có vụ có dấu hiệu hoạt động theo đường dây, có tổ chức. Số vụ vi phạm được phát hiện trên môi trường thương mại điện tử ngày càng gia tăng, với phương thức hoạt động kho hàng một nơi, địa điểm phát đơn hàng một nơi khác và thời gian hoạt động nhiều vào buổi tối, thậm chí ban đêm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

Đáng chú ý, trong số các vụ vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện có trường hợp ở huyện Phú Bình tàng trữ cả hàng cấm, gồm 6 khẩu súng PCP nén khí và nhiều linh kiện của súng, đạn súng hơi…

Có thể nói, kết quả bước đầu mà Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đạt được trong đợt ra quân này là rất đáng khích lệ, cao hơn hẳn cả về số vụ và trị giá hàng hóa so với cùng kỳ năm trước, dù đây là thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

Cũng theo ông Chu Quốc Khánh, để hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời không làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh chung của các tổ chức, cá nhân, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã nhất quán không tiến hành kiểm tra tràn lan, nhất là đối với các mặt hàng, lĩnh vực không trọng điểm, không nằm trong định hướng chương trình thanh tra năm 2022 của Chính phủ cũng như Định hướng chương trình kiểm tra năm 2022 của Tổng cục QLTT; tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch, đảm bảo trong trường hợp dịch có diễn biến phức tạp thì thị trường vẫn được giữ vững, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý… gây mất ổn định thị trường.

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng… Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, bên cạnh sự tích cực vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trọng việc tự bảo vệ mình, chỉ nên mua hàng ở những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc và đủ thông tin cần thiết về sản phẩm…