Những ngày này, bà con nông dân ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương thu hoạch các loại cây màu vụ đông để giải phóng đất, chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Thời điểm hiện tại, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích mạ xuân đã gieo, kết hợp với tổ chức nạo vét kênh mương dẫn nước và vệ sinh đồng ruộng, bảo đảm các điều kiện để đến đầu tháng 2 sẽ đồng loạt gieo cấy trà lúa xuân chính vụ.
Một ngày cuối Đông, trời khá lạnh và lất phất mưa, nhưng trên cánh đồng thuộc tổ 14, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), bà con nông dân vẫn tất bật chăm sóc các loại rau màu phục vụ thị trường dịp Tết. Mùa nào thức nấy, bà con nơi đây thường trồng rau gối vụ xen canh cấy lúa để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.
Chị Nghiêm Thị Nhị, một nông dân ở đây vui vẻ: Vụ đông năm nay, một số mặt hàng rau củ quả được giá nên chúng tôi rất phấn khởi vì có thu nhập ổn định. Cụ thể, cà chua đầu vụ có giá 40 nghìn đồng/kg và hiện cuối vụ vẫn đang duy trì ở mức 20 nghìn đồng/kg; bắp cải, su hào 10 nghìn đồng/kg; súp lơ có giá từ 10-12 nghìn đồng/cái… Trung bình 1 sào rau, nhà tôi thu lãi 8 triệu đồng. Sau khi thu hoạch xong các loại rau màu, nhà tôi sẽ dẫn nước vào ruộng, làm đất để gieo cấy lúa xuân luôn, không cho đất nghỉ.
Vụ đông năm 2021, toàn tỉnh gieo trồng được trên 11.000ha cây màu, trong đó, diện tích ngô là trên 4.150ha, rau các loại 6.900ha (tương đương cùng kỳ năm 2020). Đầu vụ, điều kiện thời tiết bất thuận, mưa nhiều khiến một số loại cây trồng sinh trưởng, phát triển kém. Song, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng và mở rộng diện tích cây ưa lạnh. Đến nay, một số loại cây màu đã cho thu hoạch với giá bán cao (như cà chua, súp lơ, ớt, su hào, bắp cải, rau gia vị…), đem lại nguồn thu từ 10-15 triệu đồng/sào cho bà con.
Chị Đinh Thị Ngân, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình thông tin: Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương khuyến cáo bà con khẩn trương thu hoạch nhanh gọn những diện tích cây vụ đông, thu hoạch đến đâu tập trung làm đất ngay đến đó. Đồng thời, hướng dẫn người dân tiếp tục chăm sóc các loại rau ưa lạnh để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Vụ đông năm 2021, toàn tỉnh gieo trồng được trên 11.000ha cây màu, trong đó có 6.900ha rau các loại. Trong ảnh: Nông dân phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chăm sóc rau vụ đông.
Cùng với việc tập trung thu hoạch các loại cây màu vụ đông, bà con nông dân trong tỉnh cũng khẩn trương giải phóng đất kết hợp vệ sinh đồng ruộng, bảo đảm sạch tàn dư cây trồng và sâu bệnh để gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Bà Trần Thị Chìu, ở xóm Hoàng Gia, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho biết: Nhà tôi cấy 4 sào giống lúa J02. Hiện nay, diện tích mạ đã được gia đình che phủ ni-lon và bắt đầu bén rễ lên xanh. Nhờ nguồn nước thuận lợi nên chúng tôi đã thuê máy cày để lật úp đất. Dự kiến, khoảng 2 tuần nữa, nhà tôi có thể xuống đồng gieo cấy, bảo đảm đúng lịch khung thời vụ.
Để sản xuất vụ xuân diễn ra đúng khung lịch thời vụ, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tổ chức thực hiện tốt việc cung ứng giống và vật tư, bảo đảm đủ đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, vật tư, phân bón trên toàn địa bàn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn, bán giống nằm ngoài danh mục, phân bón không bảo đảm tiêu chuẩn ảnh hưởng đến sản xuất.
Vụ xuân năm nay, các giống lúa được tỉnh khuyến cáo bà con nông dân đưa vào gieo cấy gồm: TH3-5, TH3-7, SL8H-GS9, B-TE1, Syn98, HKT99 và các giống lúa thuần như: Thiên ưu 8, J02, TBR225, Hương thơm số 7, ADI 28... Toàn tỉnh chủ yếu gieo cấy trà chính vụ và trà muộn, thời gian gieo mạ trà chính vụ xung quanh tiết “lập Xuân” (ngày 4-2 Dương lịch) và cấy tập trung từ ngày 10 đến 25-2 (khi mạ được 2,5-3 lá), phấn đấu kết thúc gieo cấy trên 28.100ha lúa xuân trong tháng 2.
Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT): Đề hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu sản lượng lương thực năm 2022, ngay từ cuối năm 2021, Chi cục đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan cùng phối hợp chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân. Cùng với đó, tổ chức thông tin đầy đủ và hướng dẫn bà con nông dân thực hiện nghiêm khung lịch thời vụ; sử dụng các giống nằm trong cơ cấu giống của tỉnh. Đây là các giống lúa đã được khảo nghiệm, có khả năng chống chịu rét tốt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng như sâu, bệnh hại trong vụ xuân.
Ngoài ra, Chi cục cũng đề nghị phòng Nông nghiệp và PTNT các địa phương chủ động công tác dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu, bệnh hại cây trồng để hướng dẫn bà con cách phòng trừ đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ, liều lượng và đúng kỹ thuật để bảo đảm hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.