Kiểm tra 100% việc sử dụng vốn các món vay mới

17:37, 10/01/2022

Đó là một trong những nhiệm vụ các tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV) phải thực hiện trong năm 2022 được đưa ra tại Hội nghị giao ban Quý IV/2021 của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh với 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ chức vào chiều 10-1.

Tại đây, đại diện lãnh đạo NHCSXH tỉnh đề nghị các hội, đoàn thể tiếp tục chỉ đạo các hội, đoàn thể cấp xã quan tâm hơn nữa đến việc cho vay nâng mức đối với 3 chương trình: Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Bởi hiện nay, dư nợ trung bình của các hộ mới đạt 46 triệu đồng, trong khi hạn mức tối đa là 100 triệu đồng và mới có 9,2% số hộ được vay mức trên 50 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn vốn của 3 chương trình này đủ đáp ứng nhu cầu hộ vay.

Do đó, các đại biểu đặt ra câu hỏi, có hay không tình trạng tổ trưởng tổ TK-VV do lo ngại phát sinh nợ quá hạn mà không mạnh dạn để các hộ đủ điều kiện để được tiếp cận với nguồn vốn vay ở mức tối đa. Ngoài ra, việc quản lý hộ vay cũng cần được tăng cường vì thời gian qua, vẫn còn tình trạng hộ vay bỏ đi khỏi địa phương nhưng chưa được phát hiện kịp thời…

Để nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng nguồn vốn NHCSXH, trong năm 2022, nhiều giải pháp đã được NHCSXH và 4 tổ chức hội, đoàn thể thống nhất thông qua. Trong đó có việc làm tốt công tác kiểm tra. Theo đó, cấp tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra 100% hội, đoàn thể cấp huyện và tại mỗi huyện, kiểm tra ít nhất 1 xã, 1 tổ TK-VV; cấp huyện kiểm tra 100% hội, đoàn thể cấp xã và mỗi xã kiểm tra ít nhất 15% tổ TK-VV; cấp xã kiểm tra 100% hoạt động tổ TK-VV và tại mỗi tổ, kiểm tra ít nhất 5 hộ. Riêng đối với hộ mới vay vốn, trong vòng 30 ngày kể từ khi NHCSXH giải ngân, các tổ TK-VV phải kiểm tra 100% việc sử dụng vốn vay của các hộ này.