Theo tín ngưỡng của người Việt, đầu Xuân người dân thường đến các đền, chùa để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Để các điểm đến của người dân đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương trên địa bàn tỉnh, ban quản lý (BQL) di tích, văn hóa tâm linh đã quan tâm, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Bên cạnh việc tạm dừng tổ chức các lễ hội và hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đầu Xuân, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm thờ tự, di tích, danh thắng, bảo đảm việc dâng hương, đi lễ đầu Xuân của người dân, du khách an toàn. Sở đã chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo, hỗ trợ nhân dân và du khách thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khuyến cáo người dân rút ngắn thời gian lưu lại di tích, danh thắng; đảm bảo giữ nguyên tắc không tập trung nhiều người cùng một thời điểm tham gia hoạt động dâng hương tại khu vực thờ tự và di tích.
Tại các điểm đến, Sở yêu cầu bố trí bảng biển hướng dẫn, nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19; thông báo số điện thoại đường dây nóng cần hỗ trợ, báo cáo tình hình dịch về Sở Y tế. Ngành cũng yêu cầu ban quản lý các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt các khu vực trưng bày, khu làm việc và dịch vụ theo đúng quy định; tổ chức phân luồng, đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo đảm giãn cách an toàn khi tiếp xúc…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 194 chùa, cơ sở tự viện và 57 vị tăng, ni đang trụ trì và hành đạo chính thức. Việc đảm bảo an toàn dịch COVID-19 được tất các chùa, cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện nghiêm túc.
Đại đức Thích Chúc Tiếp, Phó Ban kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Dịp Xuân mới Nhâm Dần này cũng như thời gian qua, các tăng, ni, phật tử tỉnh nhà đã và sẽ luôn chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Các chùa, cơ sở tự viện trên toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh. Đồng thời hướng dẫn phật tử tu học tại gia, tham gia các khóa lễ trực tuyến, góp phần cùng toàn xã hội phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với các chùa, công tác chuẩn bị phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho người dân ở các đền cũng được nghiêm túc thực hiện từ sớm. Cụm di tích Đình, đền, chùa Cầu Muối huyện Phú Bình là một ví dụ. Cụm di tích là điểm đến văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương vãn cảnh, chiêm bái vào mỗi dịp Tết. Theo quan sát của chúng tôi tại thời điểm này, ở tất cả khu vực ra vào, BQL đều bố trí khu vực rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế. Bố trí nhân viên theo dõi, hướng dẫn khai báo y tế, nhắc nhở người dân, du khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Thực, Trưởng Ban Quản lý Cụm di tích Đình, đền, chùa Cầu Muối cho biết: Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, UBND huyện đã bố trí cán bộ, phối hợp với Ban Quản lý phun khử khuẩn toàn bộ Cụm di tích. Tổ chức khu vực khai báo y tế, bố trí các bàn đặt nước sát khuẩn, phát khẩu trang, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm. Ở các khu vực thờ tự, chúng tôi bố trí nhân viên nhắc nhở người dân không được tập trung quá lâu, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang trong suốt thời gian dâng hương, hành lễ. Ban Quản lý cũng đã bố trí camera ở tất cả các điểm đến, bố trí tổ theo dõi và chỉ đạo chung.
Mặc dù lượng khách đến các điểm di tích, văn hóa tâm linh có thể giảm mạnh so với những năm trước, song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các sở, ngành, địa phương, BQL di tích trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương có điểm di tích thu hút đông người dân và du khách đều cử cán bộ nắm tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong mùa lễ hội.