Từ lâu, chè đã trở thành đồ uống không thể thiếu tại nhiều gia đình trong dịp Tết; đồng thời cũng được nhiều người lựa chọn làm quà biếu tặng người thân, bạn bè hay dâng lễ chùa. Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, các hợp tác xã (HTX), làng nghề, hộ sản xuất - kinh doanh chè trên địa bàn huyện Đại Từ đã cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm chè chất lượng cao, phong phú về hình thức, giá cả, mẫu mã.
Những ngày này, đại diện HTX chè La Bằng, ở xóm Rừng Vần, xã La Bằng liên tục nhận được các cuộc điện thoại của khách hàng ở khắp nơi đặt mua chè để sử dụng và làm quà tặng trong dịp Tết. Tại khu vực nhà xưởng chế biến chè của HTX, hơn chục lao động luôn tay sao sấy, đóng gói, hút chân không… để kịp gửi sản phẩm cho khách.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX cho biết: Năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên lượng khách đến mua hàng trực tiếp không nhiều, song số khách giao dịch online lại tăng gấp đôi, chủ yếu qua mạng xã hội Facebook, Zalo và các trang mua sắm trực tuyến như: Sendo, Lazada, Shopee… HTX đã tăng gấp đôi nhân lực thực hiện các khâu sản xuất để đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng đúng hẹn. Để có sản phẩm chất lượng, ngay từ tháng 6, tháng 7, chúng tôi đã hướng dẫn người dân chăm bón cây chè đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Đến nay, 10 tấn chè búp khô thành phẩm HTX chuẩn bị riêng cho Tết đã sẵn sàng “khoác áo” đẹp để chuyển đến tay người tiêu dùng.
Cùng với các mẫu mã thông thường, Tết này, HTX chè La Bằng còn đưa ra các mẫu thiết kế bao bì mới, với các gam màu chủ đạo là đỏ, xanh, vàng (mang ý nghĩa may mắn), thích hợp làm quà biếu. Giá cả cũng đa dạng, tùy thuộc vào dòng sản phẩm. Với sản phẩm Thanh Hải trà cao cấp có giá 1 triệu đồng/hộp 500g, các sản phẩm tôm nõn thượng hạng có giá 250 nghìn đồng/hộp 200g, 400 nghìn đồng/hộp 300g, 600 nghìn đồng/hộp 500g…
Còn tại HTX chè Hải Yến, nằm trong Làng nghề chè truyền thống xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh, đây cũng là thời gian cao điểm của hoạt động sản xuất, tiêu thụ chè. Chị Hà Thị Yến, Giám đốc HTX cho hay: Như mọi năm, lượng chè bán ra tăng mạnh vào cuối năm, thậm chí gấp 2-3 lần ngày thường. Bởi lẽ, 3 tháng mùa đông, cây chè sinh trưởng, phát triển chậm, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ lại tăng đột biến. Sức mua tập trung ở các loại chè ngon, chè cao cấp. Để có đủ lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết, cùng với chè vụ đông, chúng tôi đã chủ động dự trữ hàng từ tháng 10. Tổng diện tích sản xuất của 7 hộ thành viên và 25 hộ liên kết với HTX là 10ha, đảm bảo cung cấp cho thị trường. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện các đơn hàng giao đi các các tỉnh, thành: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai…
Người dân xã Hoàng Nông (Đại Từ) thu hái chè vụ đông để chế biến sản phẩm cung ứng cho thị trường trong dịp Tết.
Không khí Tết cũng đang tràn ngập khắp các nương chè tại các xã, thị trấn của huyện Đại Từ. Những lứa chè đông có giá trị gấp 3-4 lần chè trong năm đã đến kỳ thu hoạch đang theo các túi, giỏ của người hái chè về nơi chế biến. Các cơ sở sản xuất lớn đã chuẩn bị nhiều loại bao bì với đủ màu sắc, chất liệu, như: Hộp giấy, hộp gỗ, hộp sứ, túi zip…
Ngoài chè búp khô truyền thống, một số đơn vị còn sản xuất thêm các loại chè ướp hương hoa, chè đóng trong túi lọc tiện dụng. Các hộ gia đình hay cơ sở nhỏ hơn cũng tự trang bị bao bì không kém phần bắt mắt, niêm yết đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách pha chế… Đồng thời, nâng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Trịnh Văn Thắng, ở Làng nghề chè truyền thống xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, nói: Gia đình tôi có hơn 20 sào trồng chè lai LDP1, mỗi sào cho thu khoảng 1 tạ chè búp tươi/lứa. Từ tháng 10 Âm lịch đến nay, lượng chè tiêu thụ tăng gấp đôi so với những tháng trước đó trong năm. Để có đủ chè bán, tôi phải thu mua thêm chè búp tươi của các hộ trong vùng để chế biến. Trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất của gia đình tôi chế biến từ 4-5 tạ chè búp tươi, cao điểm có thể lên đến 6 tạ, phần lớn là các loại chè ngon, có giá từ 500-700 nghìn đồng/kg chè búp khô.
Theo đánh giá, các sản phẩm chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, có đầu tư về hình thức luôn được thị trường ưa chuộng. Giá chè dịp cuối năm cũng “nhỉnh” hơn, tăng từ 100-200 nghìn đồng/kg so với các thời điểm khác trong năm. Hiện nay, dòng chè tôm nõn của huyện Đại Từ đang được bán với giá khoảng 1 triệu đồng/kg, còn loại chè ngon, đặc sản như chè đinh có khoảng 2,5-2,7 triệu đồng/kg... Đáng chú ý, chè mới hái trong vụ đông có giá khá cao, bình quân từ 400-500 nghìn đồng/kg chè móc câu.
Giá cả đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường từ bình dân đến cao cấp, hình thức sản phẩm cũng được các hộ sản xuất đầu tư để giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn khi tìm mua sản phẩm chè. Chị Đào Thị Hương, ở xã Tiên Hội chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở vùng chè Đại Từ, do vậy, cứ gần đến cuối năm, tôi lại mua một vài kg chè ngon để làm quà tặng người thân, bạn bè ở xa dùng Tết. Vì là quà tặng nên chất lượng, hình thức phải được đặt lên hàng đầu, giá cả có cao hơn chút cũng không quá quan trọng. Mọi người nhận được chè của tôi đều rất quý, nhiều người còn nhờ mua giúp để sử dụng và tặng người thân, đối tác. Tôi nghĩ đây cũng là cách để thể hiện niềm tự hào với quê hương và góp phần đưa hương chè Đại Từ ngày càng bay xa…
Có thể thấy, sức mua của thị trường chè Tết đang ở giai đoạn cao điểm. Để có được sản phẩm chè ưng ý, đảm bảo chất lượng giá cả phù hợp, người tiêu dùng được khuyến cáo nên đặt mua tại các cơ sở có uy tín. Ngược lại, các HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh chè cũng cần tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư cơ sở bảo quản, tích trữ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người mua có xu hướng đặt hàng trực tuyến thay vì tiếp xúc, mua bán trực tiếp.