Vụ xuân năm nay được dự báo có nền nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm, do đó thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ kéo dài hơn so với các vụ xuân ấm. Mặt khác, tiết lập Xuân sẽ diễn ra sớm hơn cùng kỳ (vào ngày 4/2/2022, tức mùng 4 tháng Giêng năm Nhâm Dần), vì vậy việc bố trí thời vụ và cơ cấu giống hợp lý để bảo đảm thời điểm lúa trỗ, tránh được sự ảnh hưởng của đợt rét cuối vụ là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất lúa xuân.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện Phú Bình bắt đầu dẫn nước vào ruộng và tập trung làm đất, gieo mạ vụ xuân. Đang đắp bờ, dọn dẹp cỏ dại trên ruộng, bà Nguyễn Thị Thập, ở xóm Núi, xã Xuân Phương dừng tay chia sẻ với chúng tôi: Vụ xuân này, nhà tôi gieo cấy 5 sào lúa, giống VNR20. Để chống rét và ngăn chặn sự xâm nhập của rầy lưng trắng, môi giới truyền bệnh lùn sọc đen Phương Nam từ mạ sang lúa, nhà tôi đã áp dụng phương pháp che phủ ni-lon cho 100% diện tích mạ xuân. Ngoài ra, tôi cũng gieo mạ khay để thuận tiện cho việc cấy xuống ruộng cây sẽ nhanh bén rễ, hồi xanh và khả năng đẻ nhánh khỏe.
Không riêng huyện Phú Bình, bà con nông dân huyện Phú Lương cũng đã chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ xuân. Ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo cấy hơn 2.470ha lúa. Để bảo đảm nguồn nước tưới, chúng tôi đã phối hợp với Trạm Khai thác thủy lợi và UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra hệ thống kênh mương, hồ đập; xây dựng kế hoạch trữ nước và điều tiết nước hợp lý, tránh thất thoát. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra tình hình kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên địa bàn.
Đối với T. X Phổ Yên, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, năm nay, địa phương có cơ chế riêng nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã thông tin: Thị xã tiến hành hỗ trợ với mức 30 nghìn đồng/sào/vụ đối với các giống lúa lai, như: TH3-5, TH3-7, TH3-4, MHC2, SL8H-GS9. Đối với diện tích sản xuất lúa tập trung quy mô từ 2ha trở lên, với các giống TH3-7, TH3-5, MHC2, ngoài phần hỗ trợ của tỉnh, ngân sách thị xã hỗ trợ thêm là 15 nghìn đồng/sào/vụ. Hiện nay, cơ bản các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã hoàn thành việc nạo vét kênh mương để sẵn sàng dẫn nước vào ruộng.
Người dân phường Bách Quang (T.P Sông Công) dọn rác trên dòng kênh để việc dẫn nước về đồng ruộng được thuận lợi hơn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 28.100ha, giảm gần 700ha so với vụ xuân năm ngoái. Nguyên nhân là do một số diện tích đất bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển công nghiệp - dịch vụ, một phần do người dân chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm. Do diện tích giảm nên sản lượng theo kế hoạch cũng sẽ giảm từ trên 164.770 tấn (vụ xuân năm 2021) xuống còn 157.000 tấn.
Để lúa đạt năng suất cao, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân mở rộng diện tích trà lúa xuân muộn và gieo cấy bằng các giống lúa lai (như: TH3-5, TH3-7, SL8H-GS9, B-TE1, Syn98, HKT99) và các giống lúa thuần (Thiên ưu 8, J02, TBR225, Hương thơm số 7, ADI 28...); phấn đấu diện tích gieo cấy các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao và sản xuất lúa áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đạt trên 45% tổng diện tích gieo cấy lúa xuân của toàn tỉnh.
Nhằm bảo đảm thời điểm lúa trỗ gặp thời tiết thích hợp, tránh rét muộn, đồng thời tạo điều kiện cho việc triển khai sản xuất vụ mùa sớm để gieo cấy vụ đông, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con tuân thủ đúng lịch khung thời vụ. Cụ thể, đối với trà xuân trung (chiếm 2-3% diện tích), bà con gieo mạ từ ngày 15 đến 25-12, cấy lúa từ ngày 15 đến 30-1, sau khi cây mạ được 3-4 lá. Còn trà xuân muộn (chiếm từ 97-98% diện tích), bà con gieo mạ xung quanh tiết “lập Xuân” và cấy tập trung từ ngày 10 đến 25-2 khi mạ được 2,5-3 lá. Toàn tỉnh phấn đấu kết thúc gieo cấy lúa vụ xuân trong tháng 2.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật thông tin: Trên cơ sở cơ cấu giống lúa đã được tỉnh phê duyệt, các huyện, thành, thị lựa chọn một số giống phù hợp, có thế mạnh, chỉ đạo đưa vào sản xuất. Đặc biệt, lưu ý đối với các giống lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn nhẹ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao, được người nông dân ưa thích, các địa phương cần hướng dẫn cụ thể để quản lý tốt bệnh, đặc biệt trong giai đoạn lúa trỗ bông. Ngoài ra, các địa phương khuyến khích bà con đẩy mạnh ứng dụng biện pháp "ba giảm, ba tăng" (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả); 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống lúa xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước (tiết kiệm nước), giảm thất thoát sau thu hoạch); kỹ thuật công tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại IPM, ICM, cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, theo hướng hữu cơ... hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc diệt cỏ.
Sản xuất vụ xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết thường xảy ra các đợt rét đậm, rét hại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con cần tuân thủ đúng lịch khung thời vụ, đồng thời không gieo mạ, cấy hoặc gieo thẳng vào các ngày nhiệt độ dưới 15 độ C; gieo tăng từ 5-10% lượng mạ dự phòng và chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để chủ động ứng phó khi thời tiết bất thuận xảy ra, để có được vụ xuân đạt kết quả tốt nhất.