Những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước được ngành Công Thương tỉnh phát động, triển khai đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia. Từ đó, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, tạo được sức mạnh nội tại để Ngành hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Nhiều phong trào cùng “nở hoa”
Thời gian qua, ngành Công Thương Thái Nguyên đã triển khai quyết liệt các phong trào thi đua để huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó, Ngành tích cực hưởng ứng và duy trì thường xuyên các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cải cách hành chính, thu hút đầu tư”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”; “Ngành Công Thương Thái Nguyên sát cánh đồng hành cùng doanh nghiệp”...
Các phong trào thi đua được Ngành tuyên truyền, phát động sâu rộng, có mục tiêu, nội dung cụ thể gắn với thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, phù hợp với điều kiện, đặc điểm chuyên môn của từng đơn vị trực thuộc và tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia. Từ những phong trào thi đua của Ngành đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhân tố mới, nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến. Trong 5 năm qua, ngành Công Thương đã có trên 152 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có gần 20 sáng kiến được công nhận ở cấp tỉnh.
Việc triển khai các phong trào thi đua đều đem lại những kết quả khả quan, vì vậy Sở Công Thương đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều năm liền được Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, bằng khen. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu của Ngành được tặng thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công Thương, tỉnh và các cấp, ngành. Giám đốc Sở Công Thương đã tặng giấy khen cho 346 tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước…
Quyết liệt trong cải cách hành chính
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, nêu cao tinh thần trách nhiệm vươn lên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong những năm qua, ngành Công Thương tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Hàng năm, Ngành xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hiện các nhiệm vụ với phương châm: Chủ động, trách nhiệm, sát tình hình thực tế và hiệu quả, lấy doanh nghiệp (DN) và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh là trung tâm trong hoạt động. Trên cơ sở đó, Ngành đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể, các nội dung công việc trọng tâm trong từng tháng, quý và cả năm để chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sát với diễn biễn hoạt động thực tế ở mỗi địa phương, DN.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, hiện nay, toàn tỉnh có trên 11.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 104/343 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Điềm Thụy. Ảnh: T.L
Công tác cải cách hành chính của ngành Công Thương trong nhiều năm qua đều gắn với phục vụ người dân, DN. Trong đó, Ngành thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, kịp thời trình UBND tỉnh công bố danh mục các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý và trình bãi bỏ, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp; giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ hành chính công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh đối với những lĩnh vực quản lý. Do đó, từ năm 2016 đến nay, Sở Công Thương luôn xếp thứ nhất, thứ nhì về Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh…
Đóng góp quan trọng vào thành tựu chung
Từ các phong trào thi đua và công tác cải cách hành chính, ngành Công Thương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao khi sản xuất công nghiệp, thương mại có tốc độ tăng trưởng cao. Từ năm 2015 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đều tăng trưởng 2 chữ số mỗi năm. Riêng năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt 884 nghìn tỷ đồng, tăng 544 nghìn tỷ đồng so với năm 2015.
Toàn tỉnh hiện có trên 11.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 104/343 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 162 làng nghề, làng nghề truyền thống. Thái Nguyên hiện có 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm đạt cấp khu vực. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 44,67 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 ước đạt 28,85 tỷ USD. Đầu tư cho ngành Công nghiệp của tỉnh hiện chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đến nay, nhiều khu công nghiệp mới (Sông Công II, Yên Bình, Điềm Thụy) được hình thành, phát triển trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở quan trọng trong phân bố lại lực lượng sản xuất công nghiệp theo vùng. Nhiều DN của tỉnh có quy mô lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng nên đã giải quyết việc làm cho người lao động, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các mô hình quản lý hiện đại, thương hiệu mạnh có uy tín về chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường…
Những kết quả, thành tích nêu trên chính là nền tảng quan trọng và tạo sức bật mới để ngành Công Thương Thái Nguyên tiếp tục vững bước trong quá trình phát triển trong chặng đường sắp tới.