Bước vào sản xuất vụ xuân 2022, Thái Nguyên liên tiếp đón nhận những đợt rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 11-13 độ C. Trước thực trạng trên, để hạn chế những bất lợi do thời tiết gây ra, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương khuyến cáo bà con nông dân thực hiện những giải pháp ứng phó kịp thời nhằm duy trì sản xuất và bảo vệ đàn vật nuôi.
Nhiều ngày qua, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài liên tục nên các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tiến hành che phủ ny lon cho diện tích mạ đã gieo để chống rét. Bà Nguyễn Thị Bích Hà, một hộ dân ở tổ dân phố Cầu Lân, thị trấn Đu (Phú Lương) chia sẻ: Do được che phủ cẩn thận, tưới đủ nước nên hiện nay, luống mạ của gia đình tôi gieo từ trước Tết Nguyên đán đã lên xanh tốt, ruộng cũng đã được cày ải. Tuy nhiên, nhà tôi vẫn đang theo dõi thông tin thời tiết, đợi 1-2 hôm nữa nhiệt độ tăng lên mới tiến hành gieo cấy.
Còn chị Nguyễn Thị Tâm, ở xóm Gò Chè, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) thì thông tin: Bà con chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ làm đất, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giống, phân bón để tập trung gieo cấy lúa xuân muộn khi điều kiện thời tiết thuận lợi, đảm bảo đúng khung thời vụ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 28.100ha lúa (giảm gần 700ha so với vụ xuân năm 2021), phấn đấu năng suất đạt 55,8 tạ/ha, sản lượng đạt trên 157.000 tấn. Tính đến ngày 9-2, diện tích làm đất đạt 90%, diện tích gieo cấy toàn tỉnh đạt 15%. Thái Nguyên phấn đấu kết thúc gieo cấy trong tháng 2.
Để chống rét cho mạ, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con, ngoài che phủ ny lon cần bón bổ sung phân lân, phân chuồng hoai mục để tăng khả năng chống chịu với thời tiết. Đặc biệt, bà con lưu ý, không cấy lúa, gieo xạ khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Đối với diện tích lúa đã cấy cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, duy trì mặt nước từ 2-3cm; bà con không bón đạm khi thời tiết rét đậm, rét hại và chăm sóc, bón phân kịp thời khi thời tiết ấm.
Người dân ở tổ dân phố Cầu Lân, thị trấn Đu (Phú Lương) làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân.
Đối với sản xuất rau, màu, bà con đang tập trung thu hoạch các loại cây vụ đông. Còn với đất diện tích đất chuyên trồng rau đã thu hoạch xong, nông dân đang khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống để gieo trồng các loại rau ôn đới, đảm bảo cung cấp cho thị trường, góp phần tăng thu nhập.
Làm việc với với chúng tôi, ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Ngành đã xây dựng kịch bản ứng phó. Cụ thể, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh ban hành cơ cấu giống lúa khá chặt chẽ. Những giống lúa được lựa chọn đưa vào gieo cấy trong vụ xuân là những giống chịu thâm canh, có tiềm năng cho năng suất cao và khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh, thích nghi với thời tiết bất thuận, như: J02, VNR20, ADI 28, Hương Thơm số 7, Hương Thuần 8, Thiên ưu 8... Ngoài ra, về lịch khung thời vụ, trà lúa xuân muộn chiếm tới 98% diện tích, chúng tôi khuyến cáo bà con gieo cấy tập trung trong tháng 2 để tránh gặp rét khi lúa trỗ, ảnh hưởng đến năng suất.
Không chỉ riêng đối với các loại cây trồng, việc bảo vệ đàn vật nuôi trong giá rét cũng được bà con nông dân đặc biệt quan tâm. Anh Trần Trọng Tấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại La Hiên (Võ Nhai) cho hay: Hợp tác xã hiện có 50 con bò, 40 con hươu. Trong những ngày mưa rét, chúng tôi quây kín chuồng trại, dự trữ rơm, cỏ voi cho đàn vật nuôi và bổ sung thêm thức ăn tinh như: Cám, ngô, khoai…. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. Nhờ vậy, đàn gia súc của Hợp tác xã vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện nay, đàn vật nuôi toàn tỉnh đang duy trì khoảng 43,25 nghìn con trâu; 46,4 nghìn con bò, 452,7 nghìn con lợn (giảm 11% so cùng kỳ) và đàn gia cầm khoảng 15,3 triệu con (tăng 6,7% so cùng kỳ). Nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đang phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê số lượng đàn vật nuôi và nhu cầu vắc-xin của các huyện, thành, thị để chuẩn bị tiêm phòng đợt 1 năm 2022.
Có thể thấy, trước những diễn biến bất thường của tình hình thời tiết, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, bà con nông dân cũng đã chủ động, linh hoạt trong bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp hiệu quả.