Năm 2022, dự báo tình hình dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống nhân dân cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội của tất cả các địa phương nói chung và huyện Đại Từ nói riêng. Với phương châm thích ứng an toàn, giữ vững đà phát triển để tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu đặt ra, ngay từ đầu năm, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với địa phương trong việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc triển khai thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ tạo nền tảng cho các năm tiếp theo và cả giai đoạn. Trong đó, huyện xác định tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý; đảm bảo an sinh xã hội…
Xác định xây dựng NTM là một trong 3 đột phá quan trọng, năm 2022, huyện Đại Từ tích cực thu hút, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn theo quy hoạch đã được duyệt. Cùng với rà soát các xã có kế hoạch về đích NTM năm nay, huyện cũng đề ra nhiệm vụ, khối lượng công việc cụ thể để thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện NTM.
Nhằm phấn đấu hoàn thành thêm 7 tiêu chí của huyện NTM, năm nay, Đại Từ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều tuyến đường, như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hà Thượng - Phục Linh - Giang Tiên (Phú Lương); nâng cấp đường liên xã Bản Ngoại - Phú Lạc… Bên cạnh đó, huyện tiến hành lập quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè, vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các xã Tân Linh, Phú Lạc, Tiên Hội…; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp; phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 4%/năm trở lên, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 132 triệu đồng…
Năm 2022, huyện Đại Từ phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phần do địa phương quản lý tăng 7% trở lên. Trong ảnh: Sản xuất gỗ bóc tại xã Mỹ Yên.
Để hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) địa phương trong năm 2022 tăng 7% trở lên (năm 2021 đạt gần 9.300 tỷ đồng), huyện Đại Từ xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển CN-TTCN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích DN đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt đối với các cụm công nghiệp Phú Lạc 2 và Hà Thượng. Với môi trường thuận lợi, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh không ngừng nâng cao năng lực hoạt động, chủ động thích ứng với diễn biến của dịch bệnh nên tình hình phát triển CN-TTCN trên địa bàn đang có tín hiệu tích cực. Tính đến hết tháng 1-2022, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện ước đạt 805 tỷ đồng, tăng gần 60 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Quốc tế THAGACO, ở xã Bản Ngoại, thông tin: Năm nay, Công ty dự kiến nâng công suất từ 35 lên 47 chuyền may, tăng số lao động làm việc tại 2 nhà máy may ở Đại Từ từ 2.000 lên khoảng 2.800 lao động. Để hoàn thành mục tiêu sản xuất, công tác phòng, chống dịch được đơn vị đặc biệt quan tâm, hiện nay, 90% cán bộ, công nhân viên của Công ty đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng COVID-19, bắt nhịp sản xuất ngay từ đầu năm.
Cùng với các hoạt động sản xuất, Đại Từ hiện đang đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trung tâm các xã, thị trấn và lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2040. Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, huyện sẽ tập trung thu hút, mời gọi đầu tư, nhất là đầu tư ngoài ngân sách để nâng cấp, phát triển hạ tầng đô thị; đầu tư các dự án điểm, cụm dân cư nông thôn để xây dựng các xã đạt tiêu chuẩn phường. Công tác giải phóng mặt bằng cũng được giám sát, đánh giá thường xuyên, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án. Ngoài các dự án trọng điểm của địa phương, huyện cũng đang phối hợp giải phóng mặt bằng một số dự án của tỉnh, đáng chú ý là Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc (đoạn qua địa phận huyện Đại Từ)…
Phấn đấu thu cân đối ngân sách tăng 10%/năm, huyện đã và đang triển khai các giải pháp khai thác triệt để các nguồn thu, tiết kiệm các khoản thu thường xuyên, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, công tác an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo cho hộ nghèo, người có công… cũng được huyện xây dựng kế hoạch cụ thể. Năm 2022, huyện Đại Từ đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,3%/năm…
Với những giải pháp thiết thực, chủ động, khẩn trương ngay từ đầu năm, huyện Đại Từ đã sẵn sàng cho những bứt phá để thực hiện thành công nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.