Ra Giêng, đào về vườn cũ

07:50, 18/02/2022

Sau Tết Nguyên đán, vào thời điểm từ Rằm tháng Giêng trở đi, người dân Làng nghề hoa đào Cam Giá (T.P Thái Nguyên) bắt đầu thu cây, tập trung trồng, chăm sóc chờ hoa nở rộ, góp Xuân cho mùa Tết năm sau.

Chị Đỗ Thị Tuất, chủ vườn Kiên Tuất, ở tổ 5, phường Cam Giá cho biết: Từ ngày mùng 10 Tết trở ra, khi khách thuê đào gọi thì chúng tôi mới đến lấy cây. Thông thường, khoảng từ sau Rằm tháng Giêng trở đi, nhiều nơi mới gọi trả cây. Năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cho thuê đào thời điểm đầu bị giảm từ 1-2 triệu đồng/cây nhưng sau đó đã ổn định trợ lại. Vụ đào vừa qua, hơn 3.000 cây đào thế, đào cổ, bon sai của vườn chúng tôi đã được khách trong và ngoài tỉnh thuê hoặc mua hết, với giá từ 4-37 triệu đồng/gốc, tùy loại. Sau khi lấy đủ hết đào về vườn, gia đình sẽ bắt đầu chăm sóc để cây phát triển trở lại.

Nói về việc chăm sóc đào cảnh sau Tết, ông Phạm Văn Hồng, chủ vườn đào Hồng Loan, ở tổ 4, phường Cam Giá chia sẻ: Vườn nhà tôi có gần 200 gốc, chủ yếu là đào thế cho khách thuê. Thời điểm này, gia đình cũng đã chở gần hết cây cho thuê về vườn để trồng lại. Những cây đào này, khi chở về vườn phải chăm sóc rất kỹ bởi trong hơn 1 tháng qua không được tưới tắm cẩn thận. Ngay sau khi cây được trồng lại, tôi sẽ phải xới đất quanh gốc để bón phân chuồng đã ủ kỹ, phân lân. Thông thường, sau khi cây được trồng lại khoảng 1 tháng sẽ xuất hiện một số loại sâu bệnh, chủ yếu là rệp sáp, nấm trắng… Lúc này, nhà tôi phải phun thuốc phòng, trừ. Đến khoảng tháng 7 hoặc 8 Âm lịch, chúng tôi sẽ phải bón phân lần nữa và chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt để cây ra hoa đúng dịp Tết.

Người dân Làng nghề hoa đào Cam Giá cắt, tỉa cành cho cây khi trồng lại.

Cũng theo một số hộ dân trồng đào ở Cam Giá, để có thế đào đẹp, công đoạn cắt tỉa sau thu cây về vườn trồng lại rất quan trọng. Sau khi cây được trồng xuống đất, người nông dân phải cắt ngay cành lần thứ nhất. Lần cắt này phải sâu để cành mới phát sinh nhiều, năm tới cho nhiều hoa. Sau đó, mỗi tháng phải cắt nhẹ một vài lần cho tới tháng 6-7 Âm lịch mới dừng. Trong khi cắt sửa cần kết hợp tạo dáng cho cây…

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, nghề trồng hoa đào ở Cam Giá đã phát triển từ lâu. Nguồn gốc do một vài hộ dân lấy cây giống từ vùng đào Nhật Tân (Hà Nội) về trồng, từ đó nhân rộng dần. Hiện nay, Làng nghề hoa đào Cam Giá có 225 hộ trồng, kinh doanh hoa đào, với tổng diện tích 18ha, với các loại như: Đào cảnh, đào thế, đào bon sai, đào cành... Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các hộ dân trồng đào ở đây vẫn kinh doanh ổn định. Ngoài thị trường chính trên địa bàn tỉnh, nhiều thương lái ở khắp các tỉnh, thành khác, như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng,… cũng đổ về Cam Giá mua. Cây đào ở đây có giá trừ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng mỗi gốc. Qua khái toán, tổng doanh thu của Làng nghề dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đạt khoảng 16 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, thành viên Ban Quản lý Làng nghề hoa đào Cam Giá cho hay: Trước Tết Nguyên đán, người trồng đào đã dự đoán thị trường sẽ không mấy khởi sắc. Đó cũng chính là lý do nhiều hộ thành viên bán, cho thuê đào từ sớm với giá thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, thời điểm cận Tết khoảng 1 tháng, số lượng thương lái từ các tỉnh đến thu mua khá đông nên giá bán đào trở lại ổn định. Qua rà soát, dịp Tết vừa rồi có khoảng 40% tổng số cây của Làng nghề được cho thuê, còn lại bà con bán thẳng. Thời điểm này, ngoài việc thu lại các cây cho thuê, bà con cũng tập trung trồng mới, chuẩn bị cho vụ đào Tết năm sau.