Thái Nguyên vào vụ trồng rừng mới

07:58, 15/02/2022

Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 3.700ha rừng tập trung, giảm hơn 770ha so với năm ngoái. Để bảo đảm nguồn cây giống cũng như chất lượng, năng suất gỗ rừng trồng, lực lượng Kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật phát dọn thực bì, cuốc hố để chuẩn bị cho vụ trồng mới.

Năm 2022, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên có kế hoạch trồng mới trên 500ha rừng, tập trung ở các địa phương: T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Đồng Hỷ. Để chủ động nguồn cây giống phục vụ trồng rừng, từ quý 4/2021, Công ty đã tập trung nhân lực đóng bầu, tra hạt, gieo ươm các loại giống như: Bạch đàn, keo tai tượng, bồ đề… với số lượng hơn 1 triệu cây.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Huy Bình, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm mới, tranh thủ thời tiết có mưa ẩm, đất mềm, chúng tôi đã bắt đầu trồng rừng vụ xuân. Với phương châm "không để đất trống, khai thác đến đâu trồng ngay đến đó", tính đến ngày 13-2, đơn vị đã trồng được hơn 50ha rừng. 

Không riêng Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, bà con tại các địa phương khác trong tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động trồng rừng. Ông Ma Văn Toàn, ở xóm Cây Thị, xã La Hiên (Võ Nhai) chia sẻ: Sau khi hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân, chúng tôi nhanh chóng lên rừng để phát dọn, xử lý thực bì và cuốc hố để chuẩn bị hiện trường trồng rừng. Trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật nên bà con thường trồng dày khiến keo chậm lớn. Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, chúng tôi đã cuốc hố theo đúng khoảng cách, tiến hành xé vỏ ny lon ở bầu trước khi trồng và bón phân, tỉa cành cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 3.700ha rừng tập trung theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng (theo tiêu chí mới) từ 46% trở lên. Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo tai tượng, mỡ, quế, giổi xanh... 

Để bảo đảm chất lượng nguồn cây giống, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất giống kém chất lượng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vườn ươm từ khâu chuẩn bị hạt giống, gieo ươm, cho đến lúc xuất vườn. Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng rừng trồng. 

Vườn ươm của gia đình ông Phạm Văn Thanh, ở xóm Ấp Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) có khả năng cung cấp hơn 60 triệu cây giống phục vụ trồng rừng.

Toàn tỉnh hiện có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có khả năng cung cấp ra thị trường hơn 27,9 triệu cây giống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, giá cây giống không có nhiều biến động. Cụ thể, keo tai tượng giống nội có giá từ 600-700 đồng/cây, keo tai tượng giống nhập ngoại có giá 1.000 đồng/cây; bồ đề 800 đồng/cây; bạch đàn nuôi cấy mô 2.700 đồng/cây… tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, lực lượng kiểm lâm cũng đã bám sát địa bàn để rà soát, thống kê phần diện tích khai thác và hiện trường rừng tập trung, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ trồng rừng chuẩn bị đầy đủ về vật tư phân bón, nhân lực, lựa chọn những cây giống lâm nghiệp có chất lượng để đưa vào sản xuất nhằm nâng cao sản lượng gỗ và chất lượng cây rừng.

Cùng với đó, các đơn vị thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại các huyện, thành, thị trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp thâm canh rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, cùng với việc tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, lực lượng kiểm lâm cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân cách chăm sóc diện tích rừng đã trồng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Cẩm Long, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên thông tin: Thời gian qua, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, bà con nông dân trong tỉnh đã tích cực đầu tư vốn, đưa nhiều loại cây giống có chất lượng cao vào trồng, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch trồng rừng hằng năm. Trong năm 2022, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ tập trung, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản. Cùng với đó, thu hút nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất lâm nghiệp.