Nhiều năm nay, cuộc sống của trên 2.000 hộ dân ở 10 xã của huyện Đại Từ có nhà ở, đất sản xuất nằm trong vùng quy hoạch Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo gặp nhiều khó khăn do không được xây mới, sửa chữa nhà ở. Thêm nữa, các hộ này có thể vướng “vòng lao lý” bất cứ lúc nào nếu khai thác, vận chuyển lâm sản được trồng trên chính diện tích đất của gia đình mình từ nhiều đời nay.
Những ngày đầu năm 2022, việc gia đình ông Đỗ Bằng Giang, xóm Cuốn Cờ, xã Khôi Kỳ (Đại Từ) cùng một số hộ dân nằm trong vùng quy hoạch VQG Tam Đảo khai thác cây keo, mỡ do gia đình trồng đã làm xôn xao dư luận trên địa bàn rằng “nhiều người dân chặt phá rừng, xâm hại VQG Tam Đảo”.
Theo ông Giang, nguồn gốc rừng trồng là đất của gia đình đã canh tác từ lâu (trước khi thành lập VQG Tam Đảo). Trước đây, gia đình trồng chè nhưng do không hiệu quả nên đã chuyển sang trồng keo, nay đến tuổi khai thác nên ông quyết định chặt, bán. “Rất khó cho chúng tôi khi rừng mình trồng trên chính diện tích gia đình ở và canh tác bao đời nay, nhưng khai thác, vận chuyển chẳng biết xin cơ quan nào cấp phép, chỗ nào cũng bảo vi phạm... Chúng tôi trồng, cây đến tuổi thì cứ "liều" chặt, bán thôi!” - Một người dân ở xã Khôi Kỳ bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Giám đốc VQG Tam Đảo, thông tin: Rất khó cho chúng tôi khi xử lý những vụ việc người dân khai thác rừng trồng của gia đình nằm trong đất quy hoạch VQG. Luật quy định rất nghiêm, nhưng thực tế, gia đình ông Đỗ Bằng Giang khai thác cây keo (lần 2) trên diện tích rất nhỏ của gia đình (0,25ha), thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150, VQG Tam Đảo. Mảnh đất này trước đây là diện tích trồng chè của gia đình nhưng cũng nằm trong phần diện tích được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Thái Nguyên đang đề nghị Chính phủ trả về cho địa phương quản lý...
Quay ngược thời gian, ngày 6/3/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/TTg phê duyệt Dự án khả thi xây dựng VQG Tam Đảo trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ngày 15/6/1996, VQG Tam Đảo chính thức được thành lập với tổng diện tích trên 36.883ha, ranh giới độ cao từ 100m trở lên vòng quanh dãy núi Tam Đảo, trong đó có 11.441,66ha diện tích quy hoạch trên địa bàn huyện Đại Từ. Cũng bởi lẽ đó, gần 30 năm nay, nhiều hộ dân ở huyện Đại Từ có đất ở, đất canh tác trong vùng quy hoạch VQG Tam Đảo gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và phát triển kinh tế.
Ông Vi Quý Minh, ở xã Khôi Kỳ, bày tỏ: Theo quy định, khi nằm trong quy hoạch VQG Tam Đảo, người dân không được xây mới, sửa chữa nhà ở, không được khai thác rừng. Trong khi đó, diện tích rừng chúng tôi trồng đã đến kỳ khai thác, chuyển nhà tái định cư ra khỏi quy hoạch VQG Tam Đảo thì Nhà nước không có chính sách hỗ trợ, hoặc hỗ trợ rất thấp nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi lâm vào tình trạng "đi cũng dở, ở cũng chẳng xong".
Theo ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Đại Từ: Nhiều người dân thuộc 10 xã của Đại Từ đã sinh sống ở địa phương từ trước khi thành lập VQG Tam Đảo năm 1996, nhưng quy hoạch VQG Tam Đảo sau này "trùm" lên đất canh tác, sản xuất, nhà ở, công trình của họ. Qua rà soát, thống kê nhiều lần, quy hoạch VQG Tam Đảo trùm lên đất canh tác, đất rừng sản xuất, nhà ở của 2.079 hộ dân và 131 công trình nước sạch, hạ tầng, công trình công cộng, bia tưởng niệm, với tổng diện tích 1.820ha.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Quang Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Theo tin báo, chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở kiểm tra, xác định thông tin xâm hại rừng đặc dụng VQG Tam Đảo. Theo đó, thông tin này là không có. Tuy nhiên, trước khó khăn của nhiều hộ dân có diện tích rừng trồng nằm trong quy hoạch VQG, chúng tôi đang tiếp tục rà soát và kiến nghị với tỉnh có văn bản đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh diện tích 1.820ha về cho địa phương quản lý.
Để giải bài toán bất cập trong quy hoạch, ông Nguyễn Đức Hậu nêu ý kiến: Chúng tôi đã phối hợp với địa phương nhiều lần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này. Cụ thể, đề nghị sớm điều chỉnh diện tích 1.820ha ra khỏi quy hoạch VQG Tam Đảo để tỉnh Thái Nguyên quản lý theo Văn bản số 3357/UBTP13, ngày 13/5/2016 của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khoá XIII gửi Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình số 2597/TTr-BNN-TCLN ngày 17/4/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc điều chỉnh ranh giới diện tích VQG Tam Đảo gửi Thủ tướng Chính phủ...
Trước việc đời sống và dân sinh bị ảnh hưởng trực tiếp, người dân, chính quyền 10 xã trên địa bàn huyện Đại Từ mong muốn cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh quy hoạch nêu trên cho phù hợp với thực tế. Sau khi được điều chỉnh, diện tích đất sẽ được làm các thủ tục giao cho người dân quản lý, sử dụng, phát triển kinh tế. Đồng thời VQG Tam Đảo sẽ tiến hành phân giới, cắm mốc rõ ràng, thuận tiện thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.