Cảnh báo tình trạng giả danh lừa đảo trên mạng xã hội

20:02, 22/03/2022

Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông, những ngày gần đây, rất nhiều người dùng Zalo, Facebook Messenger, Viber… cho biết họ bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của bạn bè, người thân sử dụng ứng dụng trên.

Theo đó, kẻ lừa đảo đã lập một tài khoản mới với ảnh đại diện y hệt người dùng để đi lừa đảo vay tiền bạn bè của họ. Điều đáng nói, bằng một cách nào đó, kẻ xấu đã có được danh bạ của chính người dùng, cũng như bắt chước được cách nói chuyện hằng ngày, mối quan hệ giữa người bị giả danh và nạn nhân…. để tiến hành lừa đảo.

Một số người dùng cho hay, sở dĩ kẻ xấu dễ dàng lừa đảo như vậy là vì khi kết bạn trên Zalo, người dùng sẽ không thấy được số điện thoại của nhau. Chính vì thế, đây có thể là "kẽ hở" để kẻ xấu lợi dụng, tiến hành lừa đảo.

Vụ việc này trở nên bất thường hơn khi những người bị giả mạo tài khoản khẳng định, những ngày gần đây họ không click vào đường link lạ hay cho ai biết các thông tin về tài khoản của mình. Nhiều khả năng, những kẻ lừa đảo bằng cách nào đó đã truy cập bất hợp pháp (hack) được danh bạ của người dùng. Đây cũng là câu hỏi lớn về vấn đề bảo mật của người dùng và chính từ phía Zalo - một trong những ứng dụng nhắn tin nhiều người dùng nhất Việt Nam. 

Theo cơ quan chức năng, cũng không loại trừ trường hợp kẻ lừa đảo biết rõ về thông tin, danh tính của người bị lừa ngoài đời thật, nên tiến hành lừa đảo và người bị hại rất khó phát hiện.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị giả danh lừa đảo, người dùng các mạng xã hội cần lưu ý một số nội dung sau:

- Không chuyển tiền khi không gọi điện hoặc gặp trực tiếp người vay mượn tiền khi chỉ hỏi qua tin nhắn.

- Cảnh giác khi cung cấp những thông tin quan trọng cho người khác.

- Cảnh giác với người quen khi đã kết bạn với nhau trên mạng xã hội nhưng bỗng nhiên vào một ngày gửi yêu cầu kết bạn lại.

- Cảnh giác với lời mời kết bạn là những người bạn đã quen biết bằng cách vào kiểm tra lịch sử hoạt động (nhật ký trên tường của người gửi lời mời kết bạn…) nếu người mời kết bạn không có hoạt động nào, hoặc chỉ có 1-2 hoạt động mới đăng là một điều rất đáng nghi ngờ.

- Có kiến thức về an toàn và bảo mật thông tin.

- Không đăng nhập tài khoản vào những thiết bị lạ, nếu buộc phải đăng nhập thì phải đăng xuất ngay khi hết phiên làm việc.

- Bật chế độ không kết bạn với người lạ trên Zalo.

- Đặt mật khẩu mạnh và thay đổi mật khẩu thường xuyên.

- Đặt mật khẩu bảo vệ thiết bị: Máy tính, điện thoại (mã PIN, password, bảo mật vân tay, bảo mật bằng nhận diện khuôn mặt…)