Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (gọi tắt là tuyến đường liên kết vùng) là dự án trọng điểm, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đem lại lợi ích nhiều mặt cho tỉnh Thái Nguyên cũng như các địa phương lân cận. Là một trong 2 địa phương của tỉnh nằm trong vùng Dự án, huyện Đại Từ đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng phương án tái định cư (TĐC) nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho các hộ thuộc diện di dời, giúp người dân sớm an cư tại nơi ở mới.
Theo thiết kế, tuyến đường liên kết vùng đi qua 3 địa phương thuộc huyện Đại Từ là xã Cát Nê, xã Ký Phú và thị trấn Quân Chu, với tổng chiều dài hơn 9km. Để đảm bảo mặt bằng triển khai Dự án, huyện đã ban hành các thông báo thu hồi đất đối với hơn 200 hộ dân.
Trong 3 địa phương trên, Cát Nê là xã có nhiều hộ bị ảnh hưởng nhất (148 hộ). Bốn xóm của xã có diện tích đất và tài sản bị ảnh hưởng, gồm: Trung Nhang, Đồng Nghè, La Lang, Thậm Thình với diện tích đất thu hồi dự kiến là gần 20ha. Ngay sau khi có chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy xã Cát Nê đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo, tuyên truyền vận động nhân dân, thực hiện GPMB thực hiện Dự án.
Theo đó, dù tinh thần đồng thuận, nhất trí cao với việc triển khai Dự án, song các hộ dân không tránh khỏi tâm lý băn khoăn khi phải di dời đến nơi ở mới. Ông Vũ Văn Khoa, ở xóm Trung Nhang, chia sẻ: Theo kết quả đo đạc và thông tin của chính quyền địa phương, toàn bộ căn nhà và sân, vườn của gia đình tôi nằm trong vùng ảnh hưởng của Dưj án, do vậy, chúng tôi phải di dời đến nơi ở mới. Nhà của 2 con trai tôi ở liền kề cũng phải dời đi. Chúng tôi hiểu rằng việc di dời là cần thiết bởi khi đường lớn được mở, đời sống của người dân sẽ có thay đổi tích cực. Tôi cũng mong được bố trí TĐC ở khu vực thuận tiện cho sinh hoạt, sản xuất.
Cùng chung suy nghĩ đó, ông Nguyễn Duy Lễ (sinh năm 1935), ở xóm La Lang, bộc bạch: Gia đình tôi hiện có khoảng 400m2 thổ cư, 1.000m2 trồng cây keo, còn lại là ruộng và vườn tạp với tổng diện tích hơn 3.000m2. Đây là cả cơ nghiệp của gia đình khi di cư từ vùng bán ngập hồ Núi Cốc về xã. Mặc dù vậy, khi có chủ trương của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng di dời. Tôi mong được bố trí chỗ ở mới ổn định, an cư lúc tuổi già.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, thông tin: Để việc triển khai Dự án Tuyến đường liên kết vùng đảm bảo tiến độ, hiệu quả, UBND huyện đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo GPMB, TĐC Dự án do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; thành lập tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo, tổ ghi hình hiện trạng và làm việc với các đơn vị liên quan. Song song với các hoạt động bồi thường GPMB, quản lý đất đai, xây dựng, các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tích cực gặp gỡ, đối thoại, kịp thời lắng nghe, giải đáp các ý kiến, thắc mắc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhằm an cư cho các hộ dân phải di dời do nằm trong vùng ảnh hưởng, đến nay, huyện đã chủ động xây dựng Dự án TĐC phục vụ Dự án Tuyến đường liên kết vùng và các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn tại xã Cát Nê, xã Ký Phú và thị trấn Quân Chu.
Theo đó, dự án TĐC thuộc địa bàn thị trấn Quân Chu có quy mô 1,38ha, gồm 24 lô đất TĐC với diện tích từ 240-250m2; dự án TĐC thuộc địa bàn xã Cát Nê có quy mô 7,21ha, gồm 145 lô đất có diện tích trung bình 300m2; dự án TĐC thuộc xã Ký Phú có quy mô 1,7ha, gồm 46 lô đất TĐC. Tổng diện tích 3 khu TĐC là 10,29ha, trong đó gần 6,4ha phục vụ cho Dự án tuyến đường liên kết vùng; kinh phí đầu tư trên 95 tỷ đồng.
Ông Cao Xuân Thắng, Trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đại Từ, cho biết: Hiện nay, huyện đang thực hiện công tác bồi thường GPMB để triển khai các dự án TĐC. Dự kiến 2 dự án TĐC tại xã Ký Phú và xã Cát Nê sẽ được khởi công vào cuối tháng 4 tới, dự án TĐC tại thị trấn Quân Chu sẽ được khởi công vào cuối tháng 3 này. Các khu TĐC được xây dựng đều nằm ở những vị trí thuận lợi cho sinh hoạt, giao thương, sản xuất của người dân với hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Người dân chắc chắn sẽ có điều kiện sống tốt hơn khi chuyển đến nơi ở mới.