Giá vật liệu xây dựng tăng cao: Người bán nặng gánh, người mua áp lực

08:25, 10/03/2022

Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu liên tục được điều chỉnh tăng là một trong những nguyên nhân khiến giá vật liệu xây dựng (VLXD) bị “đẩy” lên cao để bù đắp vào chi phí sản xuất, vận tải. Qua khảo sát thị trường VLXD Thái Nguyên, hiện nay, giá một số mặt hàng như: Sắt, thép, cát, sỏi, xi măng… đang ở mức cao so với thời điểm cùng kỳ và cuối năm 2021. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xây dựng trên địa bàn, cũng như thị trường kinh doanh VLXD.

So với thời điểm cuối năm 2021, giá hầu hết các loại VLXD đều tăng cao. Cụ thể, giá cát xây tăng khoảng 30 nghìn đồng/m3 (từ 220 nghìn đồng lên 250 nghìn đồng/m3); xi măng tăng 30 nghìn đồng/tấn (từ 1,14 triệu đồng đồng lên 1,17 triệu đồng/tấn); đá tăng từ 180 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng/m3; các loại sắt thép cũng tăng 3-4 nghìn đồng/kg…

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ cửa hàng VLXD Việt Hiền, ở tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), bộc bạch: Nếu như năm 2020, giá sắt thép chỉ ổn định ở mức 12-13 nghìn đồng/kg và 16-17 nghìn đồng/kg thì từ cuối năm 2021 thì đến nay, giá mặt hàng này đã tăng gần 20 nghìn đồng/kg. Việc nhập hàng hóa khó khăn, cước vận chuyển tăng cao nên chúng tôi buộc phải tăng giá bán mới đủ trang trải chi phí.

Còn ông Vũ Đình Vững, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Vững Linh, địa chỉ tại tổ 1, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) - đơn vị chuyên cung ứng các loại đá ốp lát cho thị trường trong và ngoài tỉnh, cho biết: Thị trường VLXD đầu năm khá ảm đạm bởi người dân xây dựng chưa nhiều. Thêm vào đó, năm nay, giá vật liệu tăng cao nên đa số cũng dè dặt hơn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình. Riêng sản phẩm đá ốp lát chúng tôi đang kinh doanh, giá bán đã tăng 15-20% so với cuối năm 2021. Hai tháng đầu năm, doanh thu của Công ty giảm khoảng 25-30% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá xăng, dầu “neo” ở mức cao và liên tục được điều chỉnh tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến cước vận chuyển sản phẩm, buộc các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối VLXD phải tăng giá bán để bù đắp chi phí. Mặt khác, để sản xuất ra một số loại VLXD cần rất nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào, do đó, khi giá các mặt hàng này tăng lên, tất yếu dẫn tới giá thành sản phẩm bị kéo theo.

Sản xuất xi măng là một ví dụ. Ông Trần Việt Cường, Giám đốc Công ty CP xi măng Quán Triều cho hay: Hiện nay, giá các loại nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt là than, dầu, gạch chịu lửa, quặng sắt, đá…, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao (khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm 2021). Thêm vào đó, giá xăng, dầu tăng cũng khiến cước vận chuyển bị “đội” lên từ 5-10%. Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực tìm các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu. Tuy vậy, điều này chỉ bù đắp được phần nào chi phí đầu vào.

Ngoài ra, một số loại VLXD bị tác động mạnh từ hoạt động tăng giá của thị trường VLXD thế giới. Thêm vào đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất, cung ứng các loại VLXD khó khăn, nguồn nhân công khan hiếm… cũng góp phần đẩy giá VLXD lên cao.

Chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi giá VLXD tăng là các nhà thầu xây dựng. Hiện nay, nhiều nhà thầu phải “ngậm đắng”, chấp nhận thua lỗ khi các hợp đồng đã được ký kết trước đó, không thể tự ý điều chỉnh giá VLXD.

Ông Trịnh Kiên Chung, Đội trưởng thi công công trình khối nhà lớp học Trường Tiểu học Lương Ngọc Quyến (Công ty CP Xây dựng Đô thị và Phát triển nhà Thái Nguyên), chia sẻ: Ngoài VLXD, giá tất cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm và lương của công nhân đều tăng. Do vậy, với những hợp đồng trọn gói như này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Theo tính toán, đơn vị phải chấp nhận chịu lỗ khoảng 10% tổng giá trị hợp đồng.

Đối với các công trình xây dựng dân dụng, người dân cũng đắn đo, dè dặt hơn. Ông Nguyễn Huy Hoàn, có nhà đang xây tại phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), nhẩm tính: Giá gạch, xi măng và sắt đều tăng, kéo theo chi phí xây dựng tăng khoảng 10-15% so với trước. Nếu như cuối năm 2021, tôi chỉ cần 2 tỷ đồng để xây nhà thì nay, con số này phải chênh lên khoảng 200-300 triệu đồng.

Các chuyên gia dự báo, giá VLXD sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 bởi những biến động của tình hình chính trị thế giới cũng như diễn biến cung - cầu của thị trường. Bởi vậy, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng thì việc giá VLXD tăng cao sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, đẩy nhà đầu tư, nhà thầu thi công phải đối mặt với rủi ro, thua lỗ lớn, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực phát triển kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng…