Sáng 18-3, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh (ảnh). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với điểm cầu của 9 huyện, thành, thị và 178 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh, Viettel Thái Nguyên… hỗ trợ 55.000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, với khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên các sàn.
Cùng với đó, các đơn vị đã hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật phát sóng trực tiếp (livestream) bán sản phẩm trên mạng xã hội trực tiếp cho 500 lượt người và hàng nghìn lượt người tham gia bằng hình thức trực tuyến; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác, danh mục sản phẩm; hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm cho 132 doanh nghiệp, hợp tác xã. 129 sản phẩm OCOP của tỉnh cũng đã được giới thiệu, tiêu thụ trên các nền tảng như: C-ThaiNguyen, VnPost, Voso, Sendo, Lazada, Shopee...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá xu hướng thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp; hoạt động của người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử; cơ hội và thách thức cho các đơn vị Logistics để bắt kịp xu hướng… Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận xung quanh chủ đề “Cơ hội và thách thức cho nông sản thời 4.0”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Lượng khẳng định, hiện nay, nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã bước đầu tiếp cận, thực hiện giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, để các sản phẩm có “sức sống” trên sàn, ngoài việc thúc đẩy sản xuất theo chuỗi cũng cần tăng cường công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Vì vậy, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị vào cuộc tích cực hơn nữa trong việc kết nối, hỗ trợ người dân tiếp cận các kênh thương mại điện tử. Cùng với đó, ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, công khai các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ sản xuất tích cực tham gia và thúc đẩy nhân dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thông qua hình thức mua, bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử…