Tại Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã xem xét, thông qua nhiều nội dung hết sức quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhiều dự án, đề án có tính chất động lực, cấp bách đối với các địa phương. Báo Thái Nguyên xin được lược ghi một số ý kiến đánh giá của các đại biểu, đại diện các địa phương về các nghị quyết này.
Động lực để Đại Từ phát triển du lịch, nông nghiệp sạch Kỳ họp HĐND tỉnh lần này đã xem xét, thông qua Tờ trình về việc Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để tỉnh triển khai cũng như đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện Dự án. Tuyến đường hình thành sẽ tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây Nam của tỉnh, trong đó có huyện Đại Từ. Chúng tôi kỳ vọng tuyến đường sẽ tạo thuận lợi cho địa phương phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp sạch… khu vực sườn Đông dãy núi Tam Đảo, giúp huyện Đại Từ sớm về đích nông thôn mới và cơ bản đạt tiêu chí thị xã theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. (Đồng chí Phạm Quang Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ) |
Yếu tố quan trọng giúp Phú Bình "đi trước, đón đầu" Nhiều nội dung liên quan đến địa phương như: Nghị quyết thông qua bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn huyện Phú Bình; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai V đoạn qua huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang… đã được thông qua tại Kỳ họp. Đây đều là các nội dung quan trọng, tác động đến sự phát triển của huyện, giúp Phú Bình có điều kiện thuận lợi triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị; hình thành khu liên hiệp xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, để "đi trước, đón đầu" nhằm phát triển đô thị trong tương lai. Những nghị quyết này cũng là cơ sở pháp lý để địa phương chuyển đổi đất đai theo quy định của pháp luật, thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, mở rộng kết nối giao thương… tạo tiền đề quan trọng để huyện cơ bản đạt các tiêu chuẩn của thị xã vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030. (Đồng chí Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Huyện ủy Phú Bình) |
Giúp Định Hóa sớm cán đích huyện nông thôn mới Việc bổ sung thêm Định Hóa về đích nông thôn mới vào Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với huyện, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, mà cụ thể là của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc đưa Định Hóa sớm về đích nông thôn mới cùng với 3 địa phương khác theo như Đề án ban đầu của tỉnh. Đồng thời, tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý để tỉnh phân bổ nguồn lực giúp Định Hóa thực hiện mục tiêu. Ngoài ra, Nghị quyết này cũng sẽ tạo chủ trương để cấp ủy, chính quyền huyện huy động sức mạnh tổng lực, trong đó có việc vận động thuyết phục cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cả xã hội chung tay giúp đỡ, để Định Hóa cán đích nông thôn mới vào năm 2023 theo kế hoạch. (Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Bí thư Huyện ủy Định Hóa) |