An toàn thực phẩm: Trách nhiệm không của riêng ai

09:43, 18/04/2022

Toàn huyện Đại Từ hiện có trên 2.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, gần 740 cơ sở sản xuất thực phẩm, cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh thực phẩm; gần 1.300 cơ sở kinh doanh thực phẩm; còn lại là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Địa bàn rộng cùng với sự phát triển nhanh chóng về số cơ sở sản xuất, kinh doanh, do vậy, để kiểm soát tốt an toàn thực phẩm (ATTP), huyện chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm…

Mới đây, tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ tổ chức phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Bà Tống Thị Hòa, Trưởng Phòng Y tế huyện thông tin: Ngoài các hoạt động thường xuyên về đảm bảo ATTP, Tháng hành động vì ATTP năm nay còn là đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông về tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP; giảm thiểu các hành vi vi phạm; hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm… Theo đó, chúng tôi triển khai đến các đối tượng là tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP…

Không chỉ trong Tháng hành động vì ATTP, các ngành chức năng của huyện thường xuyên bám sát thị trường, tăng cường kiểm tra, giám sát. Năm 2021, Phòng Y tế huyện đã chủ trì đoàn công tác liên ngành kiểm tra trên 640 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 55 cơ sở với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 51 triệu đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 16 triệu đồng; thực hiện giám sát mối nguy ATTP tại 132 cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; phối hợp với Công an huyện kiểm tra gần 20 cơ sở kinh doanh ăn uống…

Trước đó, giai đoạn 2016-2020, huyện đã tiến hành kiểm tra trên 2.800 lượt cơ sở, phát hiện vi phạm tại hơn 700 lượt cơ sở, xử phạt hành chính 242 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 200 triệu đồng, nhắc nhở 460 cơ sở… Cùng với đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng chức năng cũng có những chương trình kiểm tra riêng theo từng ngành, lĩnh vực.

Hiệu quả của công tác tuyên truyền, xử lý các vi phạm liên quan đến ATTP thấy rõ khi người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện vệ sinh, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Còn người tiêu dùng thì hình thành thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo ATTP, không tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, lên án các hành vi cố tình vi phạm…

Bà Đào Thị Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tiến Hảo, ở tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn, chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chúng tôi giết mổ khoảng 10-15 con gia súc, cung cấp thịt cho bếp ăn tập thể của 5 trường học trên địa bàn huyện, 8 trường học ở huyện Định Hóa và Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. “Bí quyết” để chúng tôi lấy được niềm tin của người tiêu dùng là các sản phẩm thịt qua giết mổ đều được nhập từ những trang trại uy tín, minh bạch trong quy trình chăn nuôi. Toàn bộ hoạt động giết mổ đều tuân thủ các quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y…

Bên cạnh những kết quả, cơ quan chức năng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn huyện Đại Từ như: Việc quản lý thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chưa tuân thủ quy định pháp luật về ATTP…

Do vậy, thời gian tới huyện tiếp tục quản lý chặt chẽ việc đảm bảo ATTP, huy động sự vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân.