Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo sức hút đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Sức hút đầu tư càng rõ nét hơn khi trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào các KCN vẫn nằm trong tốp đầu của cả nước.
Những con số biết nói
Đến nay, toàn tỉnh có 5 KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng, với 264 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 131 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 9,8 tỷ USD; 133 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 18 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy các KCN trung bình đạt 75,8%. Đáng nói, tỷ lệ lấp đầy dự án tại Khu A - KCN Điềm Thụy đạt 100%; KCN Sông Công II đạt 96,81%; KCN Yên Bình đạt trên 92%. Trong số này, có nhiều dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Sunny Optech...
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án FDI với số vốn trên 1 tỷ USD. Trong quý I/2022, có 4 lượt điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số tăng thêm là 63,5 tỷ đồng và 920 triệu USD. Kết quả này góp phần đưa Thái Nguyên vươn lên vị trí thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI.
Từ kết quả trên cho thấy, các KCN đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà đầu tư; đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào các KCN vẫn không hạ nhiệt.
Ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Các doanh nghiệp đầu tư vào KCN hiện nay chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị văn phòng, điện thoại di động, phần mềm... Các dự án sau khi triển khai và hoạt động hiệu quả đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho cho trên 80 nghìn lao động, với thu nhập trung bình đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hằng năm của các doanh nghiệp đạt trên 30 tỷ USD và hơn 8.000 tỷ đồng, đóng góp vào gần 50% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Không chỉ thu hút các dự án FDI, các KCN cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp trong nước. Trong ảnh: Chi nhánh may Sông Công 3 (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) ở KCN Sông Công I đang giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.
Vị trí đắc địa - Môi trường hấp dẫn
Sức hút đầu tư của các KCN trong tỉnh xuất phát từ vị trí rất đắc địa. Hầu hết KCN của Thái Nguyên nằm ở các địa phương phía Nam của tỉnh (TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình). Vì thế, các KCN có vị trí giao thương thuận lợi do gần tuyến Quốc lộ 3 cũ, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối đi các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), cảng Hải Phòng… Cùng với đó, hạ tầng trong các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ông Nguyễn Phú Hùng, Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, ở KCN Sông Công I, chia sẻ: Hiện nay, nước thải từ hoạt động sản xuất của Nhà máy sau khi được xử lý sơ bộ sẽ tiếp tục được xử lý tại khu xử lý tập trung trong KCN. Qua đó, chúng tôi sẽ giảm bớt chi phí đầu tư xây dựng và yên tâm, tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng KCN được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh cũng rất nỗ lực thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như: Đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư; bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện thủ tục hành chính...
Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên, thông tin: Là địa phương có KCN Yên Bình và Điềm Thụy đóng chân, trong quá trình triển khai xây dựng, thu hút các dự án, Phổ Yên đã nỗ lực phối hợp với các chủ đầu tư triển khai thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; bố trí quỹ đất các dự án tái định cư để bảo đảm cho các KCN đi vào hoạt động theo kế hoạch. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với đại diện doanh nghiệp hoạt động trong KCN để nắm bắt và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, vướng mắc liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại KCN…
Tổ hợp Samsung Thái Nguyên (KCN Yên Bình) hiện có 26 tòa ký túc xá, cung cấp chỗ ở cho trên 16.000 nhân viên.
Phát huy những kết quả đạt được, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực mời gọi thu hút nhà đầu tư vào KCN Yên Bình giai đoạn 2, KCN Sông Công II… Để làm được điều này, tỉnh chú trọng đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố; quy hoạch và phát triển đô thị; nâng cao các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp… Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại trong giai đoạn 2020-2025.