Giá thép tăng cao: Nhà thầu xây dựng “tiến thoái lưỡng nan”

07:46, 15/04/2022

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá thép xây dựng đã tăng 7 lần, tổng mức tăng trên 2,4 triệu đồng/tấn (từ 16,5-17 triệu đồng lên trên 19 triệu đồng/tấn). Giá mặt hàng này liên tục “leo thang” là cơ hội giúp các doanh nghiệp ngành Thép tăng trưởng mạnh, nhưng ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xây dựng và người tiêu dùng đều “chao đảo”.

Trong đợt điều chỉnh lần thứ 4 vào ngày 15/3/2022, sản phẩm thép TISCO của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã tăng giá thêm 460.000 đồng/tấn. Cụ thể, một tấn thép cuộn CB240 có giá mới là 19,2 triệu đồng; thép thanh vằn CB300-VD10 là 19,4 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn CB300-VD9 là 19,5 triệu đồng/tấn… Đây là mức giá thanh toán ngay khi mua hàng và chưa tính thuế VAT, nếu thanh toán chậm có bảo lãnh, mức giá cao hơn 120.000 đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Hòa Phát cũng điều chỉnh tăng thêm 610.000 đồng/tấn đối với hai dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn CB300-VD10 trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, các thương hiệu khác như thép miền Nam, Việt Đức, Việt Ý cũng có mức tăng đáng kể.

Trao đổi với  chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), cho biết: Giá thép liên tục tăng trong thời gian qua chủ yếu do giá nhập khẩu nguyên liệu (than, quặng sắt, thép phế...) trên thị trường thế giới ở mức cao và nguồn cung thép khan hiếm hơn kể từ thời điểm xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra. Cộng thêm chi phí vận chuyển chiếm một phần không nhỏ do giá xăng, dầu "neo" cao… đã khiến giá thành sản xuất của các doanh nghiệp thép tăng theo. Đối với TISCO, chúng tôi có thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác do có mỏ nguyên liệu (than, quặng sắt) nên chủ động được trên 50% lượng phôi thép sản xuất. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh khai thác than mỡ, quặng sắt để chủ động nguồn nguyên liệu, giảm chi phí đầu vào.

Giá thép tăng cao và nguồn cung khan hiếm nên lượng hàng tồn kho của TISCO giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Các nhà phân phối vận chuyển sản phẩm thép xây dựng đến tận chân công trình.

Vừa là nhà sản xuất, vừa kinh doanh các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, ông Nguyễn Duy Luân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng, trải lòng: Nhiều người cho rằng, giá thép liên tục tăng cao là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất thép và những người làm thương mại. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu doanh nghiệp sản xuất chủ động được nguồn nguyên liệu chính là than mỡ luyện cốc và quặng sắt. Còn nếu phải nhập phần lớn nguyên liệu đầu vào thì lợi nhuận rất thấp, thậm chí doanh nghiệp còn phải bù lỗ. Về mảng thương mại, khi giá thép tăng cao, các doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối không được hưởng lợi nhiều. Doanh thu tăng, chủ yếu do giá bán tăng, nhưng lợi nhuận không tăng tương ứng, nhiều doanh nghiệp còn rơi vào thế khó khi phải bảo đảm tiến độ cung cấp hàng cho đối tác trong điều kiện nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải bỏ chi phí để hỗ trợ giá, cước vận tải cho các đối tác truyền thống và tích cực tìm nguồn cung để bù đắp.

Ông Trương Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tiến Đức, chủ đại lý thép tại phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) thì chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng tăng liên tục, đại lý đã phải nhiều lần điều chỉnh giá bán. Giá thép bán ra thị trường của đại lý đã ở mức trên 21 triệu đồng/tấn, cao hơn gần 40% so với những tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, giá thép càng tăng thì lượng hàng bán ra càng nhiều, nhưng chúng tôi cũng không thể nhập thêm hàng với số lượng lớn do sắp đến mùa mưa và dự kiến giá thép có thể tiếp tục được điều chỉnh.

Giá thép tăng mạnh cũng ảnh hưởng lớn đến các công ty xây dựng và nhà thầu. Bởi chi phí thép xây dựng tăng mạnh sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ.

Đơn cử như Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ. Đơn vị này đã trúng gói thầu số 3, xây lắp Trạm xử lý nước thải, thuộc Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía Nam (T.P Thái Nguyên) với giá trị 61 tỷ đồng, thời gian thi công 16 tháng, bắt đầu từ tháng 2-2022. Tuy nhiên, giá thép cùng các vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua khiến người đứng đầu doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.

Ông Đào Hữu Huệ, Giám đốc Công ty, cho hay: Khi chúng tôi đấu thầu và ký hợp đồng gói thầu thì giá sắt ở mức 16,5 triệu đồng/tấn, nay tăng lên hơn 19 triệu đồng/tấn, chưa kể thuế VAT. Vậy nên, nếu doanh nghiệp triển khai thi công như bình thường thì sẽ lỗ lớn, nhưng nếu dừng thi công thì công trình chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng, bị phạt và còn kéo theo nhiều hệ luỵ phức tạp khác.

Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải - Công ty BCD, hai đơn vị trúng gói thầu số 05, thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị công trình Khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) với giá trị 153,7 tỷ đồng cũng gặp tình cảnh tương tự. Ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải, trầm ngâm: Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là giá sắt thép tăng hơn 30% so với giá thành khi đấu thầu và ký hợp đồng. Mặt khác, chủ đầu tư đang “ép” tiến độ, trong khi đó vốn thanh toán ít, chậm nên chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn.

Không chỉ các doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng, nhiều người tiêu dùng cũng “chật vật” khi xây nhà ở thời điểm này. Anh Nguyễn Văn Mỹ, xây nhà tại phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), lo âu: Giá thép tăng nhanh khiến căn nhà 3 tầng gia đình tôi đang xây dựng bị “đội” chi phí ngoài dự kiến. Trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ riêng giá thép tăng đã khiến chi phí xây dựng tăng thêm hơn 30 triệu đồng.

Theo tính toán của các chuyên gia, kinh phí mua thép chiếm 15-20% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10% thì giá thành xây dựng công trình sẽ tăng 1,5-2%. Vì vậy, các doanh nghiệp và cả người dân đều mong muốn cơ quan chức năng có thêm những giải pháp hỗ trợ, giúp các dự án thi công đúng tiến độ, tạo đà hồi phục nền kinh tế. Nói cách khác, cơ quan chức năng và cả bản thân các doanh nghiệp ngành Thép cần có những điều chỉnh trong chính sách để sớm "hạ nhiệt" giá thép, bảo đảm bình ổn thị trường cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các nhà thầu.