Xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ quan trọng, khâu “then chốt” để thu hút đầu tư, thời gian qua, huyện Phú Bình đã tập trung thực hiện tốt công tác này.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Hiện nay, huyện đang “chuyển mình” với nhiều dự án giao thông, khu dân cư, khu đô thị… được xây dựng, tạo diện mạo mới cho địa phương. Để các dự án triển khai đúng tiến độ, huyện thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm. Hàng tuần, chúng tôi yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo tiến độ GPMB, những khó khăn, vướng mắc của từng dự án để có giải pháp tháo gỡ. Đối với những hộ dân sau nhiều lần được vận động, thuyết phục mà không thực hiện chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, huyện quyết liệt tổ chức cưỡng chế…
Điển hình trong công tác GPMB của huyện Phú Bình thời gian qua là Dự án Cải tạo, nâng cấp ĐT.266 qua địa bàn huyện có chiều dài 3,2km. Để có mặt bằng sạch cho đơn vị thi công đảm bảo tiến độ, các cấp, ngành, đoàn thể của huyện đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân có đất và tài sản trên đất đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy thông tin: Tuyến đường đi qua xóm Thuần Pháp, Trung 2 và Trung 3 của xã, với tổng số 162 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 75 hộ được bồi thường theo quy định, 97 hộ có đất và tài sản thuộc hành lang giao thông. Để bàn giao mặt bằng đúng thời gian, xã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động các hộ dân; tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân tháo dỡ công trình…
Tại các dự án khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp và một số tuyến đường giao thông trọng điểm khác, công tác GPMB cũng được huyện chú trọng. Đơn cử như Dự án Khu đô thị số 6, thị trấn Hương Sơn, có diện tích quy hoạch gần 4ha, với 102 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã phối hợp với địa phương thực hiện kê khai kiểm đếm 102/102 hộ dân, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cho 98/102 hộ với số tiền 18 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đào, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình chia sẻ: Sau khi có hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư, UBND huyện ra thông báo thu hồi đất, Trung tâm đã hợp đồng với các chủ đầu tư để GPMB, thực hiện dự án; phổ biến chính sách đền bù, GPMB tới người dân; tiến hành kê khai kiểm đếm đất và tài sản trên đất; lập phương án bồi thường GPMB; công khai, niêm yết phương án tại nhà văn hóa xóm, xã; lấy ý kiến người dân về phương án đã công khai…
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã GPMB 11 dự án, trình phê duyệt phương án bồi thường GPMB 10 dự án, với tổng kinh phí chi trả gần 150 tỷ đồng.
Nhờ làm tốt công tác bồi thường GPMB, đến nay huyện Phú Bình đã thu hút được gần 50 dự án đầu tư vào địa bàn gồm các khu dân cư; khu đô thị; khu, cụm công nghiệp; trung tâm thương mại - dịch vụ với diện tích hơn 600ha, tổng mức đầu tư trên 4.300 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GPMB trên địa bàn huyện vẫn gặp phải những khó khăn như: Một số hộ dân chưa hiểu về chế độ, chính sách nên chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng; cán bộ thực hiện công tác bồi thường GPMB còn thiếu; công tác quản lý đất đai hạn chế nên vẫn xảy ra tình trạng xây dựng công trình trên đất đã quy hoạch, gây khó khăn cho việc kê khai, kiểm đếm…
Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục chú trọng làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bồi thường GPMB để người dân hiểu và chấp hành tốt; đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm; tăng cường nhân lực cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện nhằm thực hiện tốt hơn công tác GPMB.