Mặc dù đến thời điểm này, mọi hoạt động của đời sống xã hội đã được phép trở lại bình thường, song nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường còn khá dè dặt. Tuy vậy, đã và đang bắt đầu có những tín hiệu tích cực, cho thấy sự phục hồi trở lại của thị trường trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng theo bà Nguyễn Thị Thủy, chủ nhà hàng Thủy Thành, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên), chưa khi nào, cơ sở của gia đình lại gặp nhiều khó khăn như 2 năm vừa qua. Nếu như trước đây, vào những tháng trước và sau Tết, bà Thủy thường nhận được trên dưới 20 hợp đồng làm đám cưới, với số lượng từ 1.000-1.500 mâm, thì thời gian qua, số lượng khách đặt cỗ rất ít, khiến bà và các thành viên trong gia đình phải xoay sở sang làm các món ăn sẵn và các đơn hàng nhỏ lẻ ship tận nhà. Tính ra, tổng thu nhập của gia đình giảm tới trên dưới 90%.
Bà Thủy chia sẻ: Trung bình với mỗi đám cưới trước khi có dịch COVID-19, khách thường đặt 60-70 mâm cỗ thì nay chỉ còn 10-20 mâm, nhiều cũng chỉ 30 mâm. Khách ít, giá thực phẩm tăng trong khi chúng tôi lại chưa thể tăng giá bán. Vì thế, nhà hàng buộc phải chấp nhận giảm lãi và tiếp tục "nghe ngóng" thị trường. Nếu thực phẩm vẫn tiếp tục tăng giá hoặc giữ nguyên như thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng phải điều chỉnh lại giá.
Tuy không nằm trong danh mục các lĩnh vực phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất phục vụ như nhà hàng, quán ăn nhưng các cơ sở in ấn, quảng cáo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19. Chị Đào Hồng Nhung, chủ cơ sở in Thanh Tùng, tổ 5, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên), bày tỏ: Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… nên khi các nhà hàng phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng; cơ quan, đơn vị thì chuyển sang họp trực tuyến thay vì trực tiếp… đã khiến nhu cầu làm các loại biển quảng cáo, bao bì, biên lai, nhãn mác, tài liệu bị hạn chế rất nhiều. Số lượng khách làm những biển đẹp, cao cấp với giá từ vài triệu đến vài chục triệu ngày càng ít. Trước đây, cơ sở thường xuyên thuê 6 công nhân thì giờ chỉ còn 3 người, nhưng cũng không đảm bảo việc làm thường xuyên.
Kinh doanh mặt hàng thời trang cũng là một trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, do người dân thắt chặt chi tiêu.
Còn theo anh Nghiêm Quang Tạo, xóm Phú Lâm, xã Kha Sơn (Phú Bình) - chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ: Khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, trung bình mỗi năm, cơ sở của tôi làm ra và bán được khoảng 200 món đồ gỗ các loại. Nhưng từ năm 2021 đến nay, do ít khách đặt nên lượng sản phẩm làm ra của cơ sở không bằng một nửa so với trước. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào những ngày gần đây tăng mạnh, trong khi đó, để cạnh tranh với cơ sở khác, tôi chưa thể điều chỉnh giá bán. Hiện, gia đình tôi chỉ xoay sở để tự giải quyết việc làm, chứ gần như không có lãi. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất để giữ chân khách hàng.
Cũng nằm trong “danh sách” các mặt hàng ế ẩm, chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng bán đồ thể thao ở phường Trưng Vương, (T.P Thái Nguyên), phân tích: Do phần lớn giải đấu thể thao đều không được tổ chức, các cá nhân chơi thể thao lẻ cũng rất hạn chế bởi dịch COVID-19 nên nhu cầu đối với trang phục, dụng cụ thể thao giảm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong một vài ngày gần đây, khi tình hình dịch bớt căng thẳng, người dân cũng thoải mái hơn với các hoạt động tập trung đông người nên lượng hàng hóa bán ra của chúng tôi đã có phần nhỉnh hơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, còn khá nhiều ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh, sản xuất khác tuy đã được phép hoạt động trở lại, thậm chí không bị hạn chế bởi các quy định của Nhà nước nhưng vẫn chịu tác động không nhỏ ở giai đoạn bình thường mới sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều đáng mừng là một số lĩnh vực đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại và được đánh giá sẽ dần phục hồi theo thời gian.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, vẫn có lĩnh vực gặp cảnh “khó chồng khó” khi giá nguyên nhiên liệu vẫn ở mức cao và khan hiếm về nguồn cung. Do đó, nhiều ngành, nghề vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp về chính sách thuế, giảm lãi suất tiền vay từ ngân hàng, cải cách thủ tục hành chính… Qua đó, để các cơ sở có thêm động lực và điều kiện vươn lên, ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng.