Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dân tộc

08:08, 27/04/2022

Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp công tác dân tộc. Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống cho đồng bào khu vực dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN).

Thái Nguyên có 51 dân tộc cùng sinh sống, với dân số trên 1,3 triệu người, trong đó có 50 DTTS với trên 384.000 người. Đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống tập trung ở 5 huyện miền núi, vùng cao: Định Hoá, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ.

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN từng bước ổn định và phát triển. Diện mạo vùng đồng bào DTTS và MN đã thay đổi căn bản; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Trong 6 năm qua, kết quả trong công tác dân tộc của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được ghi nhận và đánh giá cao trong toàn quốc. Cụ thể, đầu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh có 124 xã thuộc khu vực DTTS và MN, 542 thôn đặc biệt khó khăn; đến đầu giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên chỉ còn 110 xã thuộc khu vực DTTS và MN và 142 thôn đặc biệt khó khăn; giảm từ 36 xã đặc biệt khó khăn (năm 2017) xuống còn 14 xã năm 2021.

Đến nay, 100% các xóm, bản vùng DTTS và MN được sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn tỉnh có 73/100 xã MN, vùng cao được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cao gấp 3 lần bình quân chung cả nước cho vùng này; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và MN giảm nhanh, bình quân từ 3-4%/năm, đến đầu năm 2022 chỉ còn 8.481/95.051 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 8,92%; 33/33 phòng học tạm ở các xã đặc biệt khó khăn được xây mới...

Người dân huyện vùng cao Võ Nhai làm đất trồng ngô. Ảnh: Thành Nam

Tại Hội nghị làm việc với Ban Dân tộc tỉnh, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đánh giá cao tập thể chi ủy, lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động của Ban. Ban Dân tộc đã phát huy truyền thống đoàn kết, có nhiều nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, của các ban, bộ, ngành Trung ương và nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tích cực triển khai nhiệm vụ được giao, đạt được một số kết quả nổi bật.

Tiêu biểu như: Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; tích cực tham mưu cho tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các kết luận, chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; phối hợp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội, cham lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hẹp dân khoảng cách giữ các vùng trong tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được, Ban Dân tộc tỉnh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ thi đua; UBND tỉnh tặng Bằng khen do nhiều thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc...

Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc tại Thái Nguyên, theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN là vấn đề quan trọng, lâu dài, đã và đang được tỉnh rất chú trọng, ưu tiên. Trong thời gian tới đây, tỉnh sẽ quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Giải quyết những bức xúc, khó khăn nhất liên quan đến đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào; tập trung các nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường đầu tư phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tập quán từng dân tộc và tiềm năng lợi thế từng vùng...