Dự án Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đưa vào khai thác nhiều năm qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và khu vực. Tuy nhiên, tồn tại sau quá trình thi công Dự án trên đã gây ngập úng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của một số hộ dân xã Tân Quang và phường Lương Sơn (TP. Sông Công). Tình trạng này kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.
Thực tế tại một số diện tích đất nông nghiệp dọc tuyến Quốc lộ 3 mới chạy qua 2 xã, phường nêu trên, chúng tôi thấy các khu đồng trước và sau cống tiêu có hiện tượng xói lở, bồi lắng đất, rác thải vào thửa ruộng.
Theo người dân, do các cống tiêu cao hơn mặt ruộng nên lưu lượng nước từ đường cao tốc đổ dồn vào các cống lớn nên gây xói lở, khi chảy kéo theo bùn rác làm bồi lấp ruộng và cây trồng.
Tại tổ dân phố Tân Trung, phường Lương Sơn, hơn 6.000m2 đất nông nghiệp ở cánh đồng Lấm và Sói bị ảnh hưởng, không thể canh tác. Theo ông Đỗ Trọng Minh, Tổ trưởng tổ dân phố Tân Trung, sau nhiều năm nỗ lực khắc phục bằng các giải pháp, khoảng 2.000m2 đất nông nghiệp ở cánh đồng Lấm bà con đã có thể gieo cấy, tuy nhiên năng suất không cao. Diện tích còn lại, phần lớn mặt ruộng đã bị bồi bạt, có nơi trở thành những vùng nước trũng, lầy thụt.
Theo thống kê, tại xã Tân Quang và phường Lương Sơn có 6 điểm ngập úng, thuộc các xóm, tổ dân phố: Đông Tiến, Tân Tiến, Tân Trung và Ngân với diện tích hơn 2ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Nguyên nhân do hệ thống kênh mương cũ của nhân dân tại các cánh đồng đã được bàn giao để thực hiện Dự án.
Trong quá trình triển khai, Dự án có bố trí hệ thống thoát nước, tuy nhiên các cống này lại cao hơn so với mặt ruộng nên hễ trời mưa là xảy ra ngập úng cục bộ từ 1m-1,5m.
Đặc biệt, ở một số diện tích đất nông nghiệp, nước từ các cửa cống xả thẳng trực tiếp khiến ruộng bồi bạt, xói lở, không thể canh tác.
Sau mỗi trận mưa lớn, tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài 2-3 ngày thì rút hết. Tuy nhiên, thời gian ngập úng có xu hướng tăng lên do nước trước đây chảy tràn trên cánh đồng, nay không tiêu thoát kịp nên tập trung ngày một nhiều vào các cửa cống.
Trước thực trạng trên, UBND các xã, phường đã vận động, hướng dẫn người dân nạo vét bùn đất, đắp bờ hướng dòng chống xói lở nhưng chưa thể khắc phục.
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sông Công cho biết: Thành phố đã lập danh sách các hộ có diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng; đồng thời có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết. Sau nhiều lần kiến nghị, thành phố được Bộ Giao thông - Vận tải trả lời: Dự án đã hoàn thành và kết thúc thời hạn bảo hành. Do vậy, việc khắc phục tình trạng ngập úng không nằm trong Dự án nên không thể giải quyết.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2023, TP. Sông Công sẽ đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách địa phương) để thực hiện Dự án giảm thiểu ngập úng cục bộ do thi công Quốc lộ 3 mới.
Dự án này được thiết kế xây dựng 5 hố thu nước, 1 kênh tiêu tại các vị trí ngập úng thuộc xã Tân Quang và phường Lương Sơn. Trước tình trạng ngập úng như vậy, việc triển khai Dự án trên là cấp thiết để khôi phục hoạt động sản xuất tại các thửa ruộng, giúp nhân dân yên tâm canh tác.