UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Triển khai thử nghiệm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở các thôn, bản, xóm, tổ dân phố. Mỗi Tổ có 2-5 thành viên, nòng cốt là: Lãnh đạo thôn, bản, xóm, tổ dân phố; Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ và các tình nguyện viên tại khu dân cư. Những người tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cần có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số và có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến người dân. Ngoài ra, các thành viên của Tổ còn tham gia hiệu quả vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.
UBND tỉnh cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các doanh nghiệp công nghệ số nhằm bồi dưỡng, tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về kiến thức, kỹ năng hoạt động, tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương và nhiệm vụ theo từng thời kỳ khác nhau.
Mục đích của việc áp dụng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm triển khai thực hiện tốt các chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số; giúp người dân tiếp cận công nghệ số, tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi mạnh mẽ hơn.
Mặt khác, việc duy trì vận hành hiệu quả các Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, Thái Nguyên có 70% số dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.