Để đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, đặc biệt là vào thời tiết giao mùa như hiện nay, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, huyện Phú Lương đã tích cực triển khai các biện pháp hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống.
Hiện nay, toàn huyện có trên 41 nghìn con lợn, gần 1,4 triệu con gia cầm các loại; trên 5,3 nghìn con trâu, bò. Vào thời gian giao mùa và những tháng cuối năm, bên cạnh các loại bệnh thường gặp trên đàn gia súc, gia cầm thì một số dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò… có nguy cơ bùng phát rất cao.
Để chủ động, ngay từ đầu năm, UBND huyên đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Qua đó nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngăn ngừa dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng.
Trong đó, công tác tuyên truyền được xem là giải pháp trọng tâm được các cấp chính quyền trên địa bàn huyện chú trọng triển khai để nâng cao ý thức, trách nhiệm của thú y cơ sở và nhân dân trong việc giám sát và phòng chống dịch bệnh.
Đi liền hoạt động tuyên truyền, hàng năm, huyện cũng yêu cầu các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho mạng lưới thú y cơ sở, người trực tiếp tham gia tiêm phòng vắc xin, người chăn nuôi.
Nội dung tập huấn chủ yếu là cung cấp kiến thức về dấu hiệu nhận biết, cách phòng chống những bệnh thường gặp và dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi; cách sử dụng những loại thuốc khử trùng, tiêu độc hiệu quả, đảm bảo chất lượng…
Ngoài ra, hàng năm, thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc-xin của tỉnh, huyện cũng yêu cầu Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai kịp thời công tác tiêm phòng theo quy định, đảm bảo hiệu quả miễn dịch cho đàn vật nuôi.
Năm nay, huyện đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm. Đến khoảng giữa tháng 9, huyện sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm phòng đợt 2. Theo chỉ tiêu kế hoạch giao, trong năm 2022, toàn huyện sẽ tiêm 3.500 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 14.500 liều vắc xin lở mồm, long móng; 21.000 liều dịch tả lợn; 19.000 liều tụ - dấu lợn…
Nhờ các giải pháp đồng bộ được triển khai, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn được kiểm soát tốt. Nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng được nâng cao. Nhiều hộ dân đã chủ động mua vắc- xin, hóa chất khử trùng, tiêu độc để phòng bệnh cho vật nuôi, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Anh Hoàng Anh Tuấn, xóm Ao Sen, xã Động Đạt, cho biết: Gia đình tôi đang nuôi 2.000 chim bồ câu và 1.200 con gà. Qua tuyên truyền, tập huấn của chính quyền địa phương, tôi nhận thấy công tác phòng dịch bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp vật nuôi phát triển ổn định, đảm bảo lợi ích kinh tế của gia đình. Chính vì vậy, hàng năm tôi luôn chủ động mua đầy đủ vắc-xin để tiêm phòng sớm cho đàn vật nuôi; mua thuốc sát trùng và vôi bột để khử trùng, tiêu độc toàn bộ chuồng trại với tần suất 1 lần/tuần. Nhờ vậy, đàn vật nuôi của gia đình tôi luôn phát triển rất khỏe mạnh, không bị dịch bệnh.
Anh Ma Tiến Kốp, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên nguy cơ nhiễm bệnh và bùng phát dịch bệnh là rất cao. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh trên địa bàn; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi. Trong đó đặc biệt chú trọng việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại để ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi.