Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, mùa mưa năm nay, các hiện tượng thiên tai cực đoan như: Bão, áp thấp nhiệt đới, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra ngày càng phức tạp, khó lường. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương chủ động phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.
Xác định các công trình, vị trí, khu vực trọng điểm để có phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai là giải pháp được TP. Phổ Yên triển khai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Theo đó, thành phố xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên địa bàn gồm: Xóm 7, xóm 10, xã Phúc Tân; xóm Trường Giang, xã Vạn Phái; các xóm khu vực Đầm Mương thuộc xã Minh Đức và một số xóm ở xã Phúc Thuận, phường Bắc Sơn, phường Tiên Phong. Còn khu vực hay xảy ra ngập úng được xác định ở các tổ dân phố miền Phú Cốc, phường Tân Phú; tổ dân phố Lò, phường Nam Tiến; tổ dân phố Bến 1 và Bến 2, phường Đắc Sơn; các xóm thuộc khu vực lòng hồ Núi Cốc, xã Phúc Tân; khu vực chợ Ba Hàng, phường Ba Hàng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP. Phổ Yên, thông tin: Các biện pháp ứng phó với thiên tai được chúng tôi chia ra làm 3 giai đoạn, trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin về thiên tai, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thành phố sẽ ban hành văn bản gửi đến các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24h để nắm chắc tình hình, chuẩn bị lực lượng ứng phó; các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tổ chức xuống ngay địa bàn được phân công để kiểm tra phương án và trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó kịp thời. Sau khi thiên tai xảy ra, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được đặt lên hàng đầu, thành phố sẽ huy động lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng và công tác hậu cần để khắc phục hậu quả kịp thời.
Đối với huyện Đại Từ, mùa mưa năm nay, vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra sụt lún đất ở chân núi Tán gồm: Xóm 3 và 4, xã Cù Vân; xóm Cẩm 1, xã Phục Linh; xóm 1, xã Hà Thượng… Còn vùng trọng điểm xảy ra ngập úng ở các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Hà Thượng, Phục Linh… Vì vậy, huyện đã xây dựng phương án bảo vệ an toàn về người và tài sản cho Nhà nước, Nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng tại các vùng trọng điểm xung yếu nằm ven hồ Núi Cốc, sông Công, khu vực chân núi Tam Đảo, núi Hồng, núi Chúa. Đồng thời, xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, đập dâng; các tuyến đường giao thông trọng điểm.
Cùng với đó, huyện Đại Từ cũng chuẩn bị đầy đủ về vật tư, phương tiện gồm: 2.000 bao tải, 18 đèn báo hiệu, 1 xuồng máy, 200 phao tròn, 700 áo phao… để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Đại Từ, cho biết: Chúng tôi đã đưa ra một số tình huống giả định trong mùa mưa bão năm nay và chuẩn bị phương án ứng phó, khắc phục, không để bị động, bất ngờ khi thiên tai xảy ra.
Hiện đã bước vào mùa mưa bão nên không chỉ huyện Đại Từ, TP. Phổ Yên mà tất cả các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động phương án ứng phó với thiên tai. Với đặc thù có nhiều đồi núi, độ dốc lớn cộng với hệ thống hồ, đập cùng nhiều khe suối nên hằng năm, Thái Nguyên thường chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất… gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Chỉ tính riêng năm 2021, thiên tai đã làm 6 người bị thương. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thiên tai, đã có trên 240 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 12 điểm trường, nhà văn hóa bị hư hỏng, trên 940m đường giao thông bị sạt lở. Về sản xuất nông nghiệp, có gần 320ha lúa và hoa màu, 185ha rừng bị thiệt hại; 1.000 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ. Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm ngoái là khoảng 22,2 tỷ đồng.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai, trong mùa mưa năm nay, tỉnh Thái Nguyên đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt, không được lơ là, chủ quan với thiên tai. Cùng với đó, các địa phương tiến hành rà soát kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro; đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống thiên tai, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ, đập; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu để triển khai ứng phó hiệu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc, chủ động khắc phục những vị trí, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, kiên quyết di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, người dân cũng được khuyến cáo cần chủ động gia cố nhà cửa, đốn hạ các cây to có nguy cơ gãy đổ, gây mất an toàn đến nhà ở, đường dây điện và các công trình khác và tiến hành khơi thông dòng chảy sông suối, kênh rạch, cầu cống… đảm bảo tiêu thoát nước, tránh tình trạng ngập úng.