Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trong tỉnh đã chú trọng thanh, kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó nâng cao nhận thức của hộ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm.
Đảm bảo ATTP trong mỗi khâu sản xuất, từ chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản là mục tiêu mà Hợp tác xã (HTX) chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) hướng tới để tạo dựng uy tín với khách hàng.
Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX cho biết: Với mong muốn đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh ATTP. Cụ thể, 50ha chè của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm cũng được thực hiện tại nhà xưởng sạch sẽ. Hiện, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại 43 tỉnh, thành trong nước với giá bán dao động từ 150 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg. Theo kết quả hậu kiểm của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, HTX chè Thịnh An đã có bảng tự công bố sản phẩm, gồm đầy đủ thông tin. Ngoài ra, 4 mẫu chè là 4 sản phẩm OCOP của HTX được lấy mẫu kiểm nghiệm đều đạt các tiêu chuẩn cho phép.
Thành viên Hợp tác xã chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi chế biến chè.
Huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 2.800 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm. Xác định tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP có tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, thời gian qua, Ban Chỉ đạo ATTP huyện chú trọng kiểm tra việc thực hiện các quy định về nội dung này.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, huyện đã tiến hành kiểm tra 23 cơ sở, trong đó có 1 cơ sở vi phạm bị xử phạt là 8 triệu đồng, tiêu hủy hàng trị giá 15,6 triệu đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu gồm: Điều kiện trang thiết bị, dụng cụ, ghi nhãn thực phẩm, chất lượng sản phẩm không đảm bảo…
Ngoài ra, Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2022, huyện đã kiểm tra 14 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 8 cơ sở với số tiền 8,1 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 3 triệu đồng.
Không chỉ riêng các địa phương, việc tăng cường giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm… cũng được các đơn vị chức năng tích cực triển khai.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp - PTNT) cũng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản trên địa bàn tỉnh.
Riêng trong năm 2021, Chi cục tiến hành 4 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành tại 27 cơ sở, phát hiện 2 cơ sở vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính số tiền 6 triệu đồng. Cùng với đó, Chi cục tổ chức lấy 67 mẫu thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống; tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản để thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả, 66/67 mẫu đạt yêu cầu, chỉ có 1 mẫu giò lợn có dư lượng hàn the, đây là hóa chất không nằm trong danh mục chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm. Chi cục đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính số tiều 40 triệu đồng.
Song song với công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm, ngành Nông nghiệp cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh ATTP cho người trực tiếp sản xuất tại các cơ sở chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn; yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP trong quá trình chế biến, kinh doanh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cũng được ngành chức năng tổ chức thường xuyên, triển khai rộng rãi từ tuyến tỉnh đến tuyến xã bằng nhiều hình thức. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức và trách nhiệm của người cung cấp thực phẩm, người tiêu dùng trong đảm bảo vệ sinh ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Do vậy, vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp tử vong do bị ngộ độc thực phẩm.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác đảm bảo ATTP, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thực tế hiện nay, tình trạng rau, củ, quả bị nhiễm hóa chất độc hại; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản vẫn còn dư lượng kháng sinh, hoóc môn tăng trưởng và việc sử dụng hóa chất phụ gia bị cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn còn.
Ngoài ra, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng... vẫn được bày bán, nhất là ở các chợ vùng nông thôn. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đa phần mới chỉ nhận biết ở mức độ đơn giản về những quy định của Nhà nước về ATTP, vẫn có tình trạng lựa chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bị ô nhiễm để kinh doanh vì mục đích lợi nhuận... Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn còn tình trạng nể nang, nương nhẹ trong việc xử phạt các cơ sở vi phạm về ATTP.
Trước thực trạng trên, để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần thường xuyên thanh, kiểm tra, hậu kiểm, lấy mẫu giám sát, cảnh báo nguy cơ gây mất ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật, đề xuất xử lý hình sự với các vi phạm về vệ sinh ATTP gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành chức năng, người tiêu dùng cũng nên thay đổi thói quen, chỉ mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm chứng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.