Đồng Hỷ chuyển mình

12:31, 02/05/2022

Vượt qua muôn vàn khó khăn do xuất phát điểm thấp, có những xáo trộn do chia tách địa giới hành chính, song nhờ phát huy nội lực, chủ động đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đồng Hỷ đã từng bước đưa vùng đất này trở thành cực tăng trưởng kinh tế phía Đông của tỉnh. 

Nỗ lực tăng trưởng kinh tế
Thực hiện Nghị quyết số 422/NQ-UBTVQH14 ngày 18/8/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/10/2017, huyện Đồng Hỷ có 3 xã, thị trấn là Linh Sơn, Huống Thượng, Chùa Hang được điều chỉnh địa giới hành chính về TP. Thái Nguyên. Khó có thể diễn tả hết những “thiếu hụt” của Đồng Hỷ khi ấy, nhưng bằng nhiều giải pháp, trong đó có sức mạnh nội sinh, huyện đã khiến những khó khăn ấy trở thành “bệ phóng” cho sự phát triển bền vững sau này. 

Đồng chí Ngô Xuân Hải, Bí thư Huyện ủy nhớ lại: Quyết tâm chính trị khi ấy được đặt ra cho Đồng Hỷ là xây dựng nông thôn mới gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn; bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội…

Nông nghiệp - ngành được xem là thế mạnh của huyện - đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Từ một nền kinh tế nông nghiệp độc canh cây lúa, sản xuất bấp bênh, đến nay, Đồng Hỷ đã phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, với nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, theo quy trình an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, với thế mạnh về cây chè, huyện đã phát triển sản xuất chè theo quy trình VietGAP tại các xã Hòa Bình, Minh Lập, Văn Hán, Khe Mo và thị trấn Sông Cầu, với tổng diện tích 420ha. Đến nay có 7 sản phẩm chè được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP ở 4 xã, thị trấn.

Công nghiệp không phải là thế mạnh của huyện nhưng cũng có bước tăng trưởng nhảy vọt trong những năm gần đây. Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, huyện phát triển mạnh các nhóm ngành, sản phẩm chủ yếu về khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng. Huyện cũng quan tâm xây dựng, phát triển 41 làng nghề (trong đó có 40 làng nghề truyền thống) gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm và giữ gìn bản sắc của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 

Bên cạnh đó, thương mại - dịch vụ được mở rộng về quy mô và loại hình. Hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng xã hội. Các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được triển khai tích cực bằng nhiều hình thức.

Đây là tiền đề quan trọng để Đồng Hỷ hoàn thành tốt các chỉ tiêu năm 2022 và những năm tiếp theo, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Đường lên Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) - nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống - đã được đầu tư xây dựng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa.

Đường lên Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) - nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống - đã được đầu tư xây dựng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp “cứng”
Theo đồng chí Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện, để tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, Đồng Hỷ xác định tập trung phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp và phát triển đô thị.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành và triển khai các nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng Khu hành chính huyện Đồng Hỷ gắn với xây dựng xã Hóa Thượng thành đô thị trung tâm giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết phát triển các khu, điểm dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; kêu gọi, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.

Trong hai năm 2021-2022, huyện Đồng Hỷ đã quy hoạch 25 dự án khu đô thị, khu dân cư, bảo đảm mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 khu dân cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Một số dự án đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng thời gian gần đây hoặc đang triển khai, như: Khu đô thị Ấp Thái (12ha); Khu đô thị số 5 Hưng Thái (8,3ha); Khu đô thị Gò Cao 1 (5,5ha); Khu tổ hợp dịch vụ và công viên văn hóa thể thao Hồng Thái (19,28ha); Khu đô thị số 3 (43,76ha); Khu đô thị phía Tây (83ha); Khu đô thị số 2 (58ha)…

Về định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Đồng Hỷ sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, thu hút các nhà đầu tư triển khai một số dự án khu dân cư, khu đô thị nhằm tạo cho Khu hành chính mới của huyện có hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển thành đô thị trong tương lai không xa.