Niềm vui từ một nghị quyết trúng và đúng

08:00, 07/05/2022

Mở rộng sản xuất, kinh doanh; sửa chữa hoặc xây mới nhà ở; hay đơn giản chỉ là mua máy vi tính cho con học online… là những nhu cầu chính đáng, song không phải ai cũng có thể thực hiện được, nhất là trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trước tình hình kinh tế khó khăn, việc Nghị quyết số 11/NQ-CP (NQ11) của Chính phủ được triển khai qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều người dân có cơ hội  tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để hiện thực hóa những nhu cầu đó.

Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, tổng nhu cầu vay vốn của khách hàng thuộc diện đối tượng theo NQ11 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2023 là 1.058 tỷ đồng, ở cả 5 chương trình. Trong lần phân bổ nguồn vốn hồi tháng 4 vừa qua, Thái Nguyên đã cấp 82,9 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình cho vay Giải quyết việc làm là 40 tỷ đồng; mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội là 21,5 tỷ đồng; học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học là 8,2 tỷ đồng; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 11,5 tỷ đồng; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch được cấp 1,7 tỷ đồng. 

Chị Triệu Thị Tươi, xóm Mãn Quang, Hợp Thành (Phú Lương) được vay 10 triệu đồng để mua máy tính, phấn khởi cho biết: Gia đình tôi mới thoát nghèo 2 năm nay nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì thế, tôi chưa có điều kiện để mua máy tính cho con nên đành để cháu học online bằng điện thoại di động, vừa kém hiệu quả, vừa ảnh hưởng đến mắt. Khi được Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm triển khai có chương trình cho vay mua máy tính, tôi đã đăng ký và đã được giải ngân hôm 29-4 vừa qua. Ngay sau đó, chồng tôi đã dùng số tiền này mua máy tính xách tay cho cháu. Có máy vi tính sẽ giúp cháu học tập tốt hơn.

Còn chị Mai Thị Long, xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) được vay 100 triệu đồng để đầu tư vào cửa hàng buôn bán. Chị chia sẻ: Trước đây, do không có vốn nên tôi chỉ buôn bán một số mặt hàng lặt vặt. Nay được vay vốn từ Chương trình Giải quyết việc làm của NHCSXH, tôi có điều kiện để đầu tư buôn bán nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng hơn, hy vọng sẽ tăng thu nhập.

Được vay 100 triệu đồng theo NQ11 của Chính phủ, chị Mai Thị Long, xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) có kế hoạch mở rộng cửa hàng kinh doanh tạp hóa của gia đình.

Cũng được tiếp cận với nguồn vốn vay theo NQ11, anh Dương Thủy Tiên, sinh năm 1987, kế toán Ban Quản lý trật tự xây dựng giao thông TP. Sông Công, nói: Hơn 10 năm lập gia đình, vợ chồng tôi luôn có ý thức tiết kiệm để có đủ tiền xây nhà. Tuy nhiên, với mức thu nhập của vợ chồng tôi hiện nay, phải cần tiết kiệm thêm trong hàng chục năm nữa. Khi biết gia đình tôi thuộc đối tượng đủ điều kiện để được vay vốn xây nhà ở theo NQ11, chúng tôi đã đến NHCSXH thành phố để tìm hiểu và làm thủ tục vay 500 triệu đồng, tương đương 50% tổng dự toán ngôi nhà. Trong đợt giải ngân lần 1, tôi được vay 250 triệu đồng. Theo quy định, tôi được vay tối đa 20 năm, nhưng vợ chồng tôi phấn đấu sẽ trả xong nợ trong khoảng 10-15 năm, hoặc sớm hơn.

Ông Lê Văn Hồng cho biết thêm: Ngay sau khi được Trung ương cấp vốn, NHCSXH tỉnh đã tham mưu cho Trưởng Ban Đại diện NHCSXH tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các địa phương để kịp thời cho vay đến các đối tượng. Theo đó, NHCSXH các huyện, thành phố đã bắt đầu việc giải ngân từ ngày 28 và 29-4. Lần phân bổ vốn này, có 4 chương trình đã đáp ứng đủ nhu cầu; riêng Chương trình cho vay Giải quyết việc làm hiện mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân (nhu cầu vay vốn trong năm 2022 gần 556 tỷ đồng) nên NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Trung ương quan tâm, bổ sung nguồn vốn này để có nhiều hộ hơn nữa được tiếp cận nguồn vốn vay ở mức cao nhất, từ đó giúp người dân có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.