Thái Nguyên hiện có 199 hồ, đập lớn với nhiều công năng như: Điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; phát triển du lịch; điều tiết, cắt lũ trong mùa mưa bão, tạo năng lượng thủy điện… Chính vì vậy, việc đảm bảo nguồn nước và quản lý hồ, đập để khai thác, phát huy hiệu quả các công trình, giữ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt.
Là một trong 6 công trình trọng điểm cấp Quốc gia, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, hồ Núi Cốc còn có chức năng điều tiết phòng lũ. Do vậy, trước mùa mưa bão, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên - đơn vị được giao quản lý hồ, đã kiểm tra từng công trình để có kế hoạch tu bổ, sửa chữa các hạng mục xung yếu. Đồng thời, triển khai phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty, cho hay: Hồ Núi Cốc gồm đập chính, 7 đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước và hệ thống cơ khí. Để đảm bảo an toàn, phía trước hồ, Công ty có đề biển nội quy bảo vệ công trình. Theo đó, chúng tôi yêu cầu các phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ không được phép đi lại và tập kết bến đỗ trong phạm vi hành lang công trình; nghiêm cấm việc xây dựng công trình kiên cố, bán kiên cố trong khu vực lòng hồ ở dưới cao trình +48,25m và trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình. Đặc biệt, việc vận hành hồ được chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, nhằm đảm bảo nguồn nước mặt được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm.
Tương tự, tại hồ Đồng Cẩu, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) cũng có nội quy, quy chế vận hành riêng. Tại hồ không có tình trạng xả nước ngoài mục đích phục vụ sản xuất và phòng lũ. Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Chiến, Cụm trưởng cụm quản lý hồ Đồng Cẩu, cho biết: Hồ có khả năng cung cấp nước tưới cho 100ha lúa, hoa màu của 2 xóm Tân Đô và Đồng Cẩu. Để vận hành an toàn hồ, chúng tôi phân công cán bộ trực 24/24 giờ; đồng thời, theo dõi tình hình thời tiết để có biện pháp xả lũ kịp thời. Để tránh tình trạng thanh niên đến tắm, dễ xảy ra nguy cơ đuối nước, chúng tôi đã cắm biển cảnh báo hồ nước sâu nguy hiểm - cấm tắm. Ngoài ra, cán bộ trực cũng thường xuyên nhắc nhở người dân không được chăn thả trâu, bò xung quanh hành lang công trình.
Cán bộ Trạm Khai thác thủy lợi huyện Phú Lương kiểm tra thực tế khu vực tràn xả lũ của hồ Khuân Lân, xã Hợp Thành.
Để khai thác và phát huy tiềm năng, công năng của hệ thống hồ chứa, thời gian qua, việc quản lý an toàn các công trình hồ, đập luôn được UBND tỉnh quan tâm. Hằng năm, UBND tỉnh đều có văn bản yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, năm 2020, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2687/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 về việc phân giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.
Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên được giao quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình đầu mối, các trục kênh chính và các công trình điều tiết nước có quy mô vừa và lớn, có đặc điểm, tính chất kỹ thuật phức tạp. Còn UBND các huyện, thành, thị quản lý các công trình thủy lợi nhỏ, có đặc điểm, tính chất kỹ thuật đơn giản. Việc làm này góp phần bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi trong việc tưới tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế - xã hội và môi trường.
Cụ thể, hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đang quản lý, vận hành 197 hồ, đập. Đa phần các hồ được khai thác, xây dựng và sử dụng từ khá lâu nên đã có nhiều hạng mục hư hỏng và xuống cấp; trong khi nhu cầu nhu cầu phục vụ du lịch, dịch vụ, cấp nước… từ các hồ chứa ngày càng lớn. Trước thực trạng trên, Công ty đã đề xuất với UBND tỉnh và ngành chức năng quan tâm đầu tư, sửa chữa một số hồ chứa nước lớn để đảm bảo việc phòng lũ, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, Công ty tiến hành cải tạo, nâng cấp 10 công trình. Riêng năm 2022, Công ty có kế hoạch sửa chữa 14 công trình hồ, đập bị hư hỏng.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thời gian gần đây cho thấy, tình trạng sử dụng mặt nước hồ chưa được quản lý chặt chẽ, đặc biệt đối với các hoạt động sử dụng mặt nước vào mục đích phục vụ du lịch chưa có sự giám sát kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tài sản, tính mạng của nhân dân. Do vậy, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 03/5/2022 về việc nâng cao công tác quản lý, sử dụng mặt nước các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Trong Công điện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác quản lý, khai thác sử dụng mặt nước các hồ chứa trên địa bàn; chịu trách nhiệm đối với các hoạt động sử dụng mặt nước các hồ chứa theo quy định và phân cấp quản lý; tăng cường công tác kiểm tra phương tiện hoạt động trên các hồ để đảm bảo an toàn và tránh xảy ra tai nạn, đuối nước. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý hành lang bảo vệ công trình đập, hồ chứa nước, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm…
Để đảm bảo an toàn hồ, đập, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, mỗi người dân, nhất là bà con sinh sống ở khu vực có hồ chứa nước cũng cần nâng cao nhận thức và ý thức giữ gìn, bảo vệ công trình, không lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn công trình. Cùng với đó, sử dụng nguồn nước sản xuất, sinh hoạt đúng mục đích, tiết kiệm, hợp lý.