Internet được coi như một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với Internet, ngay cả trẻ em cũng có thể dễ dàng truy cập, tìm kiếm những điều mình thích. Nhưng, song hành cùng tiện ích lành mạnh là những “độc phẩm ngọt ngào” tác động xấu đến nhận thức của trẻ. Để an toàn trên môi trường mạng, trẻ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng nhận biết cần thiết để không “lạc lối” khi bước vào thế giới vô hình.
Sau đại dịch COVID-19, mọi hoạt động học tập của trẻ em ở trường và gia đình đã trở lại bình thường. Nhưng, nếu để ý sẽ nhận ra có một thay đổi lớn về quan niệm sống trong xã hội: Con trẻ thành thạo hơn khi vào mạng Internet; người lớn cũng cởi mở hơn trong việc cho con sử dụng các thiết bị công nghệ, như: Điện thoại, ipad, máy vi tính.
Nhiều phụ huynh có chung lời chia sẻ: Trước đây họ rất dè dặt khi cho con vào mạng Tnternet. Giản đơn vì sợ hại mắt, hại não, nghiện điện tử, lộ thông tin cá nhân, bị kẻ xấu lợi dụng hoặc các con có thể "học xấu" và làm những việc sai trái. Nhưng trong suốt một thời gian dài học online do dịch bệnh, việc cho con trẻ tiếp cận các thiết bị công nghệ trở thành yêu cầu bắt buộc. Nhiều phụ huynh còn tạo lập tài khoản Zalo, Facebook riêng để con chủ động học tập, trao đổi cùng thầy cô, bạn bè.
Internet dần mở ra một cánh cửa lớn cho trẻ em bước vào môi trường mạng. Ở đó trẻ được học tập, giải trí, khám phá, giao lưu với bạn bè qua các ứng dụng trò chuyện, cùng chơi game, thiết lập nhóm bạn xuyên biên giới với cùng sở thích. Nhưng, đa số trẻ em không thể nhận diện được trên môi trường mạng có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn giăng mắc như “thiên la địa võng”. Với phụ huynh, nhiều người vì bận rộn với công việc hoặc do hạn chế về kỹ năng sử dụng Internet, do tôn trọng quyền riêng tư của con, dẫn đến việc không kiểm soát được con mình lên mạng xem gì, kết bạn, giao lưu trò chuyện với ai. Phụ huynh sơ suất, con trẻ tò mò, hiếu động đã vô tình tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho điều xấu nảy nở trong những tâm hồn non nớt.
Trên thực tế, từ lâu, Internet đã không còn xa lạ toàn bộ cộng đồng. Có nhiều trẻ em được tiếp cận với công nghệ thông tin từ… trong bụng mẹ. Ra đời là trẻ sơ sinh, lẫm chẫm tập đi, tập nói và cả lúc ăn cũng đều được bố mẹ cho chơi điện thoại. Đây là một thói quen khá phổ biến trong xã hội hiện đại, nhưng ít người biết được rằng việc trẻ em dành quá nhiều thời gian trên môi trường mạng, có thể vô tình dẫn các em đến những trang chứa nội dung xấu, tiêu cực. Các vụ bạo lực học đường, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, tự tử vì các vấn đề tâm lý… ít nhiều có một phần nguyên nhân xuất phát từ môi trường mạng. Ngay ở các trường tiểu học, trẻ em thích thú làm trò chỉ ngón tay vào thái dương, nói với bạn: “Chỗ này nhiều máu này!” và có hành động bắt chước thanh niên hư từng vào tù, ra tội. Khi được hỏi, các em trả lời hồn nhiên: "Cháu xem trên mạng!".
Không thể phủ nhận rằng từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức hiệu quả những hoạt động tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Thông qua đó, nhiều phụ huynh, giáo viên, người chăm sóc trẻ được trang bị kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng cho trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Đồng thời giúp trẻ em biết tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng mạng lành mạnh, cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng với cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Như vậy liệu đã đủ để bảo vệ trẻ khỏi các mối nguy trên môi trường mạng?
Thời đại 4.0 - Internet không thể thiếu trong đời sống xã hội. Việc cho trẻ em tham gia môi trường mạng được coi là một kỹ năng sống quan trọng. Đó cũng là cách trao cho trẻ em cơ hội hoàn thiện mình trong thời đại số. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Hiện Sở đã có văn bản tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu Chương trình hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Đồng thời khuyến khích các cơ quan chức năng, thầy cô giáo, bố mẹ và người chăm sóc trẻ chủ động trang bị cho trẻ em kiến thức cơ bản khi tham gia môi trường mạng. Từ đó, tạo cho trẻ em được quyền truy cập các nguồn thông tin đa chiều; giúp trẻ em hình thành tư duy tổng hợp, kích thích khả năng nghiên cứu, bày tỏ ý kiến của mình đối với bạn bè, gia đình và xã hội.