Thời điểm này, lúa xuân đã bắt đầu chín rộ, bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch để giải phóng đất, chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa. Nhờ bám sát lịch khung thời vụ, đưa các giống mới vào sản xuất, cộng với việc chủ động phòng, trừ sâu bệnh nên đợt này, nông dân Thái Nguyên tiếp tục gặt hái thêm một mùa vàng bội thu.
Trên cánh đồng xóm Đin Đeng, xã Yên Trạch (Phú Lương), chiếc máy gặt đập liên hoàn lần lượt “càn” qua từng thửa ruộng chín vàng, rồi trả lại cho người nông dân những bao thóc chắc nịch. Bà Phương Thị Liệu, một hộ dân trong xóm, chia sẻ: Đầu vụ, lúa bị bệnh vàng lá, chúng tôi phải mất nhiều công chăm sóc cây mới hồi xanh, sinh trưởng tốt. Đến giai đoạn lúa trỗ, gặp thời tiết thuận lợi nên bông nào bông nấy nặng trĩu hạt. Để rút ngắn công lao động và thời gian thu hoạch, chúng tôi thuê máy gặt đập liên hoàn với giá 180 nghìn đồng/sào. Không phải gặt lúa, tuốt lúa như trước đây, chúng tôi chỉ cần đợi sau 15 phút là đã có thể chở thóc về. Với 5 sào lúa, vụ này, nhà tôi ước tính thu được hơn 1 tấn thóc, tăng 0,3 tấn so với vụ trước.
Còn tại cánh đồng xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên), không khí sản xuất cũng diễn ra khá khẩn trương. Bà Dương Thị Nga, người trong xóm, cho biết: Trong vụ xuân, nhà tôi đã chuyển từ giống lúa Khang dân sang cấy 3 sào giống mới ADI 28, năng suất đạt 2,3 tạ/sào, cao hơn vụ trước 0,4 tạ/sào. Tôi thấy giống lúa mới này khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tỷ lệ hạt chắc cao.
Cạnh đó, đang đợi máy gặt đến thu hoạch, bà Nguyễn Thị Mai góp lời: Để tránh tình trạng lúa gặp rét muộn khi trỗ, ảnh hưởng đến năng suất, chúng tôi chủ yếu cấy trà xuân muộn. Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ gieo cấy và chủ động phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên ruộng nào lúa cũng được mùa. Bà con rất phấn khởi vì sau bao ngày vất vả chăm sóc nay đã được thu hoạch thành quả.
Gia đình chị Trịnh Thị Quyên, ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) gặt lúa, chở về nhà rồi mới thuê máy tuốt.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy đạt 29,3 nghìn ha lúa, vượt 4,4% kế hoạch, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Để giành thắng lợi trong sản xuất, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân gieo mạ tập trung, che phủ ny-lon để chống rét và ngăn chặn sự xâm nhập của rầy lưng trắng. Cùng với đó, bố trí cơ cấu giống cây trồng và thời vụ hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thích hợp, tránh rét muộn.
Nhằm khuyến khích bà con đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, năm nay, UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ 30 nghìn đồng/sào tại vùng sản xuất tập trung đối với các giống lúa lai như: TH3-5, TH3-7, BTE1, HTK99, Syn98… và các giống lúa thuần gồm: J02, TBR225, ADI28, TH8… Theo đó, các địa phương đã mở rộng tối đa diện tích trà lúa xuân muộn với các giống: Thiên ưu 8, HT1, TH3-7, TBR225, TH3-5… Đồng thời, khuyến cáo bà con ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả), hệ thống canh tác cải tiến trên cây lúa; cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên; thực hiện tốt lịch thời vụ gieo cấy nhằm tránh thời tiết bất lợi và sâu gây hại.
Đối với Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, đơn vị cũng làm tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh gây hại. Do vậy, các điểm phát sinh, ổ dịch sâu bệnh gây hại đều được phát hiện sớm. Cán bộ chuyên môn đã kịp thời hướng dẫn bà con biện pháp phòng, trừ kịp thời, bảo vệ an toàn sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, thông tin: Trong vụ xuân năm nay, do giá phân bón tăng cao nên bà con nông dân đã giảm bớt lượng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ. Ngoài ra, được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, bà con đã chủ động bón thúc sau khi lúa đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng. Lượng phân đạm, kali hoặc NPK được sử dụng hợp lý và đúng thời điểm đã giúp thân lúa cứng, bông to, hạt mẩy. Ngoài ra, cây lúa cũng ít bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là những yếu tố quyết định thắng lợi của vụ xuân.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dự ước năng suất lúa xuân năm nay của Thái Nguyên đạt 56,93 tạ/ha, tăng 0,58 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng đạt trên 166.970 tấn, tăng hơn 2 nghìn tấn so với cùng kỳ. Rút kinh nghiệm từ các vụ lúa trước, thời điểm này, rngành Nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương khuyến cáo bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa xuân đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh những thiệt hại do thời tiết, sâu bệnh và chuột gây ra; khuyến khích người dân sử dụng máy gặt đập liên hợp để rút ngắn thời gian thu hoạch. Cùng với đó, bà con ở các địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phân bón và lựa chọn những loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao để gieo mạ nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho sản xuất vụ mùa.
Tháng Sáu, được vụ lúa xuân thắng lợi, người dân các địa phương càng thêm phấn khởi, hăng hái bắt tay vào vụ sản xuất mới. Hy vọng, với sự vào cuộc sát sao của ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương cộng với sự cần cù, chịu khó của người dân, vụ mùa năm nay, Thái Nguyên sẽ tiếp tục gặt hái được mùa vàng bội thu.