Theo thống kê của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 250 trẻ em bị tai nạn, thương tích (TNTT), trong đó có hơn 26 trẻ tử vong. Trẻ bị TNTT vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Ngã, điện giật, đuối nước, tai nạn giao thông... Vì thế, bảo đảm an toàn cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành mà cần có sự chủ động hơn nữa từ mỗi gia đình.
Ngày 8-5 vừa qua, cháu Trần Xuân K., sinh năm 2011, ở xóm Đồng Vĩ, xã Bàn Đạt (Phú Bình) sau khi sang nhà bà ngoại ở xóm Dẫy, xã Đào Xá (Phú Bình), đã cùng với 2 anh em họ là Nguyễn Văn Đ., sinh năm 2009 và Nguyễn Thanh T., sinh năm 2011, ra sông Cầu gần đó để tắm.
Trong quá trình tắm sông, em K. và em T. đã bơi vào khu vực nước sâu khiến em K. bị đuối nước, còn em T. may mắn được anh Nguyễn Văn Thanh, người ở cùng xã bơi ra cứu.
Anh Thanh nhớ lại: Hôm đó là ngày Chủ nhật nên 2 vợ chồng tôi được nghỉ làm, rủ nhau ra đoạn sông Cầu chảy qua xóm Dẫy để bắt ốc. Sau khi nghe thấy tiếng kêu cứu của các em, tôi đã bơi ra cứu được em T., con em K. do đã chìm xuống nên không cứu kịp.
Ông Tô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Đào Xá cho biết: Mặc dù năm nào xã cũng phối hợp với các nhà trường trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước đến người dân và các em học sinh nhưng vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua. Nguyên nhân chính là do sự lơ là, không để ý của gia đình để trẻ tự do ra sông tắm.
Đoạn sông Cầu nơi em K. bị đuối nước.
Đuối nước và tai nạn giao thông đang là những nguyên nhân gây tử vong cao nhất đối với trẻ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh bị TNTT là 1.312 trẻ (chiếm 0,42% tổng số trẻ trên địa bàn tỉnh). Tổng số trẻ bị tử vong là 132 trẻ, trong đó có 87 trẻ đuối nước, 28 trẻ do tai nạn giao thông và 17 trẻ do những nguyên nhân khác.
Còn trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 93 vụ TNTT đối với trẻ em dẫn đến 23 trẻ tử vong, trong đó 12 trẻ tử vong do đuối nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị TNTT được xác định là do môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn; nhận thức, ý thức về phòng, chống TNTT của cả người lớn và trẻ em chưa cao...
Nhằm giảm TNTT đối với trẻ, trong những năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh tuyên truyền; xây dựng ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT; xây dựng trường học an toàn phòng, chống TNTT; xây dựng cộng đồng phòng, chống TNTT; phòng, chống tại nạn giao thông cho trẻ em...
Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Địa bàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối; kiến thức và kỹ năng phòng, chống TNTT của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ trong các gia đình chưa cao; chưa có nhiều điểm vui chơi công cộng an toàn dành cho trẻ; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân và học sinh chưa cao....
Do đó, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng thì các bậc phụ huynh cần chủ động hơn trong bảo vệ, phòng ngừa cho trẻ ngay tại nơi sinh sống, như: Đảm bảo ao, hố chứa nước, cống thoát nước xung quanh nhà phải có hàng rào chắc chắn ngăn trẻ tiếp cận; cửa sổ phải có chấn song để trẻ không chui qua được, nhất là tại các chung cư, nhà cao tầng; sắp xếp gọn gàng các vật sắc nhọn; không thả rông gia súc; đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông...