Phú Lương siết chặt quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc thú y

07:55, 03/06/2022

Thuốc thú y là loại vật tư nông nghiệp không thể thiếu đối với các trang trại, hộ chăn nuôi. Để bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi, huyện Phú Lương đã có các giải pháp siết chặt quản lý việc kinh doanh và sử dụng mặt hàng này.

Toàn huyện Phú Lương hiện có trên 41 nghìn con lợn; gần 1,4 triệu con gia cầm các loại; trên 5,3 nghìn con trâu, bò. Sự phát triển nhanh của tổng đàn vật nuôi trong những năm gần đây kéo theo sự “nở rộ” của hoạt động kinh doanh thuốc thú y.

Tính đến nay, trên địa bàn đang có 40 cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Để bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhiều năm nay, bên cạnh việc cấp phát, triển khai kịp thời nguồn vắc-xin phòng bệnh trên gia súc, gia cầm, huyện cũng đẩy mạnh các giải pháp quản lý kinh doanh, mua bán thuốc thú y trên địa bàn.

Để nâng cao ý thức của người kinh doanh thuốc thú y, huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thú y; danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng tại Việt Nam; công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi… Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức 30 lớp tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi cho các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nội dung tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn người dân quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; biện pháp phòng ngừa và điều trị dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; cách chế biến, pha trộn thức ăn cho vật nuôi; thiết kế và xây dựng chuồng trại; thông báo danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng theo quy định…

Ông Chu Quốc Hưng, xóm Hoa 1, xã Phấn Mễ cho biết: Gia đình tôi nuôi gà với quy mô hơn 1.000 con. Trước đây, khi mới bắt đầu chăn nuôi, tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và điều trị các loại bệnh trên đàn gà. Về sau, nhờ được tham gia các lớp sơ cấp, tập huấn về chăn nuôi do địa phương tổ chức, tôi có thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi; cách nhận biết và điều trị bệnh trên gà; các loại thuốc thú y được phép sử dụng… Nhờ đó, tỷ lệ chết do mắc bệnh trên đàn gà của gia đình tôi những năm gần đây rất thấp.

Được tham gia các lớp tập huấn, ông Chu Quốc Hưng, xóm Hoa 1, xã Phấn Mễ, đã biết cách điều trị các bệnh thường gặp trên đàn gà.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, hàng năm, huyện cũng thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó có thuốc thú y; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Nội dung kiểm tra chủ yếu liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc, vắc-xin, hóa chất, chế phẩm sinh học; giấy đăng ký kinh doanh; điều kiện kinh doanh của các cửa hàng… Từ năm 2020 đến nay, huyện đã phối hợp thanh, kiểm tra được 10 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, xử lý 2 cơ sở sử dụng chứng chỉ hành nghề đã hết hạn.  

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương: Nhờ các giải pháp siết chặt quản lý, đến nay hầu hết các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc thú y. Các vi phạm vẫn còn chủ yếu là sắp xếp thuốc chưa đúng quy định; để thuốc thú y lẫn với thức ăn chăn nuôi; nơi bán thuốc không duy trì nhiệt độ dưới 30 độ C. Về phía người chăn nuôi, ngày càng nhiều hộ, chủ trang trại, gia trại nắm bắt được quy định, cách sử dụng các loại thuốc phù hợp để điều trị bệnh thường gặp trên vật nuôi…