Thời điểm này, diện tích lúa xuân của bà con đã bắt đầu chín sữa, chuẩn bị được thu hoạch. Cùng với việc khuyến cáo người dân tập trung chăm sóc lúa xuân cuối vụ, ngành chức năng của tỉnh cùng các đơn vị kinh doanh cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp, sẵn sàng bắt tay vào sản xuất vụ mùa.
Là đơn vị chiếm tới 70% thị trường phân bón toàn tỉnh, thời điểm này, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên đã chủ động nhập các loại phân bón đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để cung ứng tới tay người dân. Ông Đỗ Xuân Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Để chuẩn bị cho vụ mùa, Công ty đã nhập về 10.000 tấn phân bón NPK, 1.000 tấn đạm, 500 tấn kali. Khác với các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ nhập hàng trôi nổi trên thị trường, Công ty chúng tôi luôn nhập hàng của các đơn vị có uy tín trong nước và cung ứng tới các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi sẵn sàng tư vấn cho bà con cách sử dụng các loại phân bón lót, bón thúc đúng thời điểm sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Tại cửa hàng thuộc hệ thống bán lẻ của các công ty sản xuất, kinh doanh giống, vật tư trong và ngoài tỉnh, lượng hàng hóa cũng đã được nhập về, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Đào Xá (Phú Bình), chia sẻ: Tôi đã nhập trên 100 tấn phân bón các loại để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con trong khu vực. Giá phân bón, giống được cửa hàng niêm yết công khai để khách hàng tiện theo dõi.
Còn Anh Nguyễn Văn Liên, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên), cho hay: Thời điểm này, bà con đã bắt đầu mua thóc giống về ngâm ủ chuẩn bị gieo mạ cho vụ mùa. Đối với từng loại giống, tôi đều hướng dẫn, khuyến cáo người dân cách ngâm ủ, chăm sóc để đạt hiệu quả cao nhất.
Người dân chọn mua thóc giống tại cửa hàng vật tư nông nghiệp của gia đình anh Nguyễn Văn Liên, ở phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên).
Đối với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, trong vụ mùa, đơn vị cung ứng hơn 50 tấn thóc giống các loại. Đây đều là những giống nằm trong bộ cơ cấu giống của tỉnh, như: TH3-5, TH3-7, SL8H-GS9, B-TE1, J02, DQ11, BQ, TBR225, Hương thơm số 7...
Anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm, khuyến cáo: Vụ mùa thường xảy ra các đợt mưa bão nên lúa mùa sớm rất dễ mắc bệnh bạc lá trong giai đoạn đòng trỗ. Vì vậy, bà con không nên gieo cấy các giống lúa đã bị nhiễm bệnh bạc lá ở các vụ trước và phải đặc biệt quan tâm đến chế độ bón phân cân đối, không bón thừa đạm để hạn chế sự phát triển gây hại của bệnh bạc lá và bệnh khô vằn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.400 đại lý, cửa hàng, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động cung ứng kịp thời các loại vật tư, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng mua nhầm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, người dân được khuyến cáo cần nâng cao cảnh giác, không nên chọn mua các loại vật tư không ghi cụ thể nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng trên bao bì. Đặc biệt, khi nghi ngờ hoặc phát hiện các đối tượng bán phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật không có nguồn gốc xuất xứ, bà con cần thông tin ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch gieo cấy 38.720ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 53,46 tạ/ha, sản lượng đạt 207.000 tấn. Về khung thời vụ, đối với trà lúa mùa sớm, bà con cấy từ ngày 10 đến 20-6; trà mùa trung cấy từ ngày 25-6 đến 10-7, còn trà mùa muộn cấy từ ngày 5 đến 20-7.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, do vụ mùa có thời gian chuyển vụ ngắn nên bà con tập trung làm đất và vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa xuân theo phương châm "gặt đến đâu cày ngay đến đó". Cùng với đó, bà con tăng cường bón vôi bột hoặc chế phẩm sinh học để gốc rạ nhanh phân hủy, giảm ngộ độc hữu cơ và tiêu diệt nguồn sinh vật hại. Đặc biệt, thời vụ gieo cấy lúa mùa từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7 là thời điểm thường xuất hiện các cơn mưa lớn, mưa tập trung dễ gây ngập úng trên diện rộng nên các hộ dân cần bố trí cơ cấu giống và phương thức gieo cấy phù hợp để chủ động trong công tác chống ngập.
Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, giá vật tư nông nghiệp tăng cao cũng gây khó khăn trong sản xuất vụ mùa. Riêng đối với phân bón, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con bón cân đối đạm, lân, kali; tăng cường sử dụng phân bón có tác dụng cải tạo đất, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh tránh ngộ độc hữu cơ. Cùng với đó, bón phân theo nguyên tắc đúng chân đất, đúng loại giống, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón.
Với sự chủ động của các đơn vị cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sự chỉ đạo sát sao của ngành chức năng, các đơn vị liên quan, qua kết quả đánh giá cho thấy, số lượng giống và chất lượng giống cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, không có sự tăng giá đột biến. Điều này sẽ giúp bà con nông dân yên tâm canh tác, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.