Thái Nguyên trên đà bứt phá thu hút đầu tư

07:40, 20/06/2022

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, những vấn đề cốt lõi nhất về tinh thần, chủ trương, chiến lược và cam kết quyết liệt trong thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên đã được đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh truyền tải đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây chính là “cú hích” lớn để hoạt động thu hút đầu tư của Thái Nguyên tiếp tục có những đột phá trong thời gian tới.

Được coi là hoạt động xúc tiến quy mô lớn đầu tiên trong thời kỳ "bình thường mới" sau đại dịch COVID-19, Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) tổ chức ngày 17-6 tại TP. Hồ Chí Minh đã quy tụ những nhà đầu tư hàng đầu đến từ các tỉnh, thành trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hội nghị thu hút đại diện các tập đoàn đầu tư lớn của Hàn Quốc như: SK EcoPlant; Lotte E&C; Hyosung; CJ; Asam Security; Hana; KepCo… Tham dự Hội nghị này, Thái Nguyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư bởi những nỗ lực cải thiện cơ chế, chính sách của tỉnh đã được khẳng định vị trí trên “bản đồ” thu hút đầu tư Việt Nam thời gian qua.

Thái Nguyên được giới thiệu là khu vực có tiềm năng, thế mạnh lớn về vị trí địa lý, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng cùng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao… Cùng với đó là các con số ấn tượng: Thái Nguyên hiện có trên 170 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư trên 10 tỷ USD; 846 dự án DDI với tổng số vốn trên 145.000 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha… sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư.

Khu công nghiệp Yên Bình đang thu hút nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đầu tư xây dựng nhà máy.

Trước các nhà đầu tư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng đã nhấn mạnh: Thái Nguyên đang là “mảnh đất hứa” trong đầu tư với những chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là cơ chế riêng có của Thái Nguyên. Đồng thời, các nhà lãnh đạo của tỉnh đều trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm... Sự nhiệt huyết, quyết liệt và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đã tạo nên một chính quyền kiến tạo, đưa ra nhiều quyết định bứt phá.

 “Chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời trong quá trình thực hiện các dự án”.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định 6 cam kết với nhà đầu tư, tập trung vào: Thường xuyên tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật; cung cấp đủ hạ tầng viễn thông, điện, nước 24/24 giờ cho các doanh nghiệp; hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Những cam kết này đã tạo ấn tượng và sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Trong buổi thảo luận, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm, đặt câu hỏi đến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên xung quanh một số vấn đề. Các nội dung đều được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trả lời, giải đáp một cách rõ ràng, thấu đáo và được các nhà đầu tư đánh giá rất cao.Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL), cho biết: Thái Nguyên đã thực sự tạo dấu ấn với cá nhân tôi và các nhà đầu tư. Thông qua Hội nghị, các nhà đầu tư đã thấu hiểu tinh thần, chủ trương, chiến lược về thu hút đầu tư của tỉnh, tạo tiền đề để sớm đầu tư tại Thái Nguyên trong thời gian tới.

Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Thái Nguyên thời gian tới sẽ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu vực phía Nam (hạ tầng du lịch, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng ở phía Đông dãy núi Tam Đảo, hồ Núi Cốc phát triển các khu đô thị bám theo tuyến đường liên kết vùng Bắc Giang - Vĩnh Phúc và đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội); chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành và phát triển chuỗi sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất - kinh doanh, tiếp cận các thông tin về thị trường, đầu tư và doanh nghiệp…

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Aluminum Hàn Việt (KCN Điềm Thụy).

Tỉnh Thái Nguyên định hướng: Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; đẩy mạnh cải hành chính toàn diện; xây dựng và triển khai đồng bộ giải pháp thu hút, xúc tiến đầu tư các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài có năng lực tài chính, thương hiệu, có sức lan tỏa đưa khoa học công nghệ và nguồn vốn lớn vào đầu tư, kinh doanh tại tỉnh; hạn chế các dự án có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng diện tích đất lớn và gây ô nhiễm môi trường; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào tỉnh.

Với những cam kết mạnh mẽ và hành động thiết thực, Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những địa phương năng động nhất cả nước về thu hút đầu tư. Và Chính sự năng động này của tỉnh đang tạo nên kỳ vọng lớn trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên trong thời gian tới.

 

THÁI NGUYÊN ƯU TIÊN THU HÚT ĐẦU TƯ

1. Hạ tầng khu công nghiệp

Thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển và mở rộng 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, bao gồm 7 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung đã được phê duyệt quy hoạch (trong đó có 5 KCN và 1 khu công nghệ thông tin đã có chủ đầu tư hạ tầng) và 4 KCN bổ sung. Tổng diện tích quy hoạch các KCN của tỉnh là 4.245ha.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN bao gồm: 2 KCN mới được phê duyệt quy hoạch: KCN - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình diện tích 900ha (đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng) và KCN Sông Công II giai đoạn 2, diện tích 300ha, nâng tổng diện tích KCN mới bổ sung lên 1.200ha, đảm bảo đủ năng lực đón các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh Thái Nguyên ngay trong năm 2022.

2. Hạ tầng cụm công nghiệp

Kế hoạch phát triển CCN tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 gồm 41 CCN, với tổng diện tích 2.067ha, trong đó 21 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng (3 CCN do Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) làm chủ đầu tư gồm: CCN Tân Phú 1, CCN Tân Phú 2 và CCN Lương Sơn, với tổng diện tích trên 165ha) và 20 CCN đang thu hút đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư.

3. Hạ tầng giao thông, kết nối vùng

a. Về quy hoạch: Thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông:

- Quy hoạch tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn (CT07); tuyến cao tốc Vành đai 5 Thủ đô; các tuyến đường liên kết vùng, khu vực các tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang.

- Nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn.

- Hệ thống đường bộ tỉnh Thái Nguyên sẽ hình thành 3 tuyến trục dọc chính, 4 tuyến trục ngang và 2 đường vành đai.

b. Về đầu tư: Đã khởi công xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc (42km); chuẩn bị khởi công tuyến đường vành đai V qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang); cơ bản hoàn thành tuyến đường Vành đai V đoạn từ TP. Phổ Yên sang huyện Phú Bình; triển khai hàng loạt các dự án phát triển đô thị động lực TP. Thái Nguyên cùng một số tuyến đường giao thông kết nối các khu vực phát triển khác cũng đang được tích cực triển khai…