Xả lũ hồ Núi Cốc: Người dân không chủ quan, lơ là

07:10, 05/06/2022

Từ giữa tháng 5-2022 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều đợt mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông suối, hồ đập dâng cao gây ngập úng cục bộ. Để phòng lũ hiệu quả, các hồ chứa nước lớn trên địa bàn, nhất là công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc đã phải xả lũ thường xuyên. Việc điều tiết nước trong mùa mưa bão là rất quan trọng, đòi hỏi chính quyền, người dân bám sát tình hình, chủ động có phương án phòng bị cần thiết để tránh tối đa thiệt hại.

Từ ngày 23-5 đến nay, đơn vị quản lý khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã phải ít nhất 3 lần ra thông báo và tiến hành mở tràn xả lũ hồ Núi Cốc. Nguyên nhân là do thượng nguồn mưa to kéo dài, nước sông Công đổ về hồ Núi Cốc lớn khiến mực nước hồ dâng cao, vượt so với cao trình chống lũ.

Theo đánh giá của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, mùa mưa bão năm nay có những đột biến khác thường, lượng mưa có lúc lên tới trên 300mm. Những năm trước, ít khi hồ Núi Cốc phải xả lũ liên tục như vậy. Ở cao trình +44,68m, đơn vị đã phải tiến hành thông báo xả lũ, 3 lần gần đây mực nước hồ đều ở mức +46,26m đến 47,46m và nếu không xả kịp sẽ lên tới trên +48m hoặc lớn hơn. Với mực nước này, đơn vị quản lý phải xả với lưu lượng từ 100m3/giây đến 400m3/giây mới có thể đáp ứng.

Hồ Núi Cốc có vùng thượng lưu và hạ du tương đối rộng. Vùng thượng lưu gồm các xã thuộc huyện Đại Từ: Tân Thái, Vạn Thọ, Phúc Thuận, Bình Thuận, Lục Ba, Hùng Sơn; vùng hạ du gồm các xã thuộc các thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên và Sông Công: Phúc Trìu, Tân Cương, Thịnh Đức, Bình Sơn, Bá Xuyên, Châu Sơn, Thắng lợi, Phố Cò, Phúc Tân… Khi nước dâng cao, vùng thượng lưu của hồ sẽ bị ngập úng (vùng bán ngập), khi xả lũ, vùng hạ du thuộc hành lang thoát lũ hai bờ sông Công nước dâng cao, chảy xiết.

Những năm qua, mặc dù mỗi khi xả lũ hồ Núi Cốc, đơn vị quản lý đều thông báo sớm, chính quyền địa phương khuyến cáo và có phương án phòng, chống nhất định, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản, tính mạng, hoa màu của người dân.

Do vậy, trong những lần thông báo xả lũ hồ Núi Cốc gần đây, đơn vị quản lý đều có khuyến nghị: Đối với vùng thượng lưu, các tổ chức, cá nhân chủ động trong sản xuất, sinh hoạt, không thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lòng hồ và vùng bán ngập từ cao trình +46,2m đến +48,25m.

Khu vực hạ du, người dân có biện pháp phòng, tránh, chủ động sản xuất sinh hoạt. Đặc biệt, không sản xuất, kinh doanh trong hành lang thoát lũ hai bên bờ sông Công, tuyệt đối đảm bảo an toàn giao thông khi mực nước sông dân cao. Nghiêm cấm người, phương tiện và gia súc (không có nhiệm vụ) đi lại trên mái đập, trong khu vực đầu mối. Các thuyền, bè không được đi lại trong lòng hồ khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động…

Dự báo trong những ngày tới, tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, khó lường. Bởi vậy, việc điều tiết lũ ở các hồ đập nói chung và hồ Núi Cốc nói riêng vẫn tiếp tục diễn ra. Chính quyền và người dân các địa phương vùng ảnh hưởng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống để tránh thiệt hại.