Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và dân chủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV đã có nhiều đại biểu (ĐB) chất vấn lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Nội dung hỏi tập trung vào các vấn đề “nóng”, được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm, phản ánh những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Báo Thái Nguyên lược ghi một số nội dung tại Phiên chất vấn.
Sẽ khắc phục tình trạng điện không ổn định tại khu công nghiệp
Với nội dung được chất vấn về việc thời gian qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp phản ánh tình trạng điện không ổn định, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương trả lời: Nguyên nhân của thực trạng trên là do dao động biến áp của hệ thống lưới điện toàn miền Bắc gây ra; phụ tải tăng cao do một số doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất - kinh doanh; cùng với đó là vẫn còn tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện do người dân thả diều tại một số địa phương như TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình... gây ra sự cố về điện.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng phương án phát triển lưới điện, xây dựng mới 3 trạm biến áp 220kV ở Phú Bình, Sông Công và Đại Từ; mở rộng, nâng công suất các TBA 220kV hiện có; tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng lưới điện triển khai trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng tiến độ; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn lưới điện và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm...
Thủ tục cấp mỏ còn phức tạp
Trước thực trạng thiếu mỏ khai thác đất san lấp, gây ra tình trạng khai thác đất trái phép, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Hiện nay, toàn tỉnh có 65 mỏ được phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, hiện mới có 10 mỏ hoàn thiện các thủ tục và đi vào khai thác. Nguyên nhân do để được cấp phép khai thác thì phải qua nhiều giai đoạn: Lập quy hoạch và tổ chức đấu giá quyền khai thác; thăm dò, đánh giá trữ lượng; lập và trình quyết định chủ trương đầu tư; lập thiết kế cơ sở, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng...
Trước khó khăn này, Sở kiến nghị các ban, ngành và các cấp chính quyền đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư trong thực hiện cấp phép khai thác mỏ. Để giải quyết thực trạng thiếu đất san lấp hiện nay cũng như thời gian tới, Sở đã phối hợp khảo sát và đề xuất với tỉnh bổ sung 26 điểm mỏ đất san lấp để đưa vào phương án quy hoạch; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cho phép các dự án được sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn làm vật liệu san lấp...
Tăng cường giải pháp để hạn chế án hủy, án sửa
Trước thực trạng số lượng và tỷ lệ bản án bị sửa, bị hủy do nguyên nhân chủ quan tăng so với cùng kỳ năm 2021; giải pháp nào để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án? Ông Bùi Đức Thuận, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: 6 tháng đầu năm 2022, án bị hủy là 11 vụ (tăng 1 vụ), án bị sửa là 13 vụ (tăng 2 vụ).
Qua phân tích, các vụ án bị sửa chủ yếu do tòa sơ thẩm đưa thiếu tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, thiếu bị hại hoặc đương sự cung cấp thêm chứng cứ khi xét xử phúc thẩm. Nguyên nhân án hủy liên quan đến sai phạm trong quá trình tố tụng hoặc thiếu chứng cứ.
Tuy tỷ lệ án hủy và sửa thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội cho phép nhưng ngành Tòa án tỉnh vẫn xác định đây là một trong những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục.
Cụ thể là: Thường xuyên quán triệt, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Từng vụ án bị hủy, sửa đều phải có giải trình, rút kinh nghiệm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh quá trình thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; tạo điều kiện cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ…
Sử dụng sách giáo khoa hiệu quả, tránh lãng phí
Hiện nay, việc các trường sử dụng các bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau dẫn đến một số bất cập như: Học sinh chuyển trường có thể phải chuyển sang dùng bộ SGK khác; hoặc anh em trong một gia đình không thể cùng sử dụng một bộ sách… gây lãng phí và khó khăn cho công tác xã hội hóa, ủng hộ sách cho người nghèo…
Trả lời ý kiến của đại biểu về giải pháp khắc phục, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngày 28/11/2014, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội được ban hành, đây là cơ sở để ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các bộ sách dù khác nhau nhưng đều dựa trên cơ sở chung, đảm bảo hình thành phẩm chất, kỹ năng cho học sinh theo yêu cầu. Sở đã yêu cầu giáo viên tại các trường phải nghiên cứu đầy đủ các bộ SGK mà tỉnh đã phê duyệt để khi có học sinh từ nơi khác chuyển đến thì nhà trường, giáo viên phải có kế hoạch hỗ trợ học sinh, giúp các em tiếp cận được với chương trình. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các nhà xuất bản, nhà hảo tâm xây dựng kế hoạch hỗ trợ SGK mới cho học sinh nghèo, xây dựng các tủ SGK dùng chung…
Nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10
Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2022-2023, sẽ có 32,8%, tương đương hơn 6.000 học sinh, không trúng tuyển. Trả lời ý kiến của đại biểu về nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 đối với các trường THPT đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm nay, số học sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 tăng cao, căn cứ điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường, ngành Giáo dục đã có giải pháp, đó là tuyển sinh tối đa số học sinh trên lớp của tất cả các trường trong tỉnh.
Sau khi các trường THPT đã thực hiện tuyển sinh xong, Sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho 3 Trường THPT: Thái Nguyên, Đào Duy Từ, Lương Thế Vinh. Tổng số học sinh đề nghị bổ sung là 386 học sinh.
Dự kiến, sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt, ngành Giáo dục sẽ triển khai ngay việc tuyển sinh bổ sung. Khi đó, tổng số học sinh vào lớp 10 THPT của tỉnh sẽ là 13.423, đạt tỷ lệ 80,27% tổng số học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10. Số học sinh còn lại sẽ học hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề…