Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Vì vậy, vấn đề san gạt, hạ độ cao ta luy dương đối với các hộ dân sinh sống ở những khu vực này trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, hiện nay việc san gạt, hạ độ cao ở không ít địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn…
Thái Nguyên có nhiều địa phương thuộc miền núi, vùng cao nên tình trạng người dân sinh sống ở những khu vực chân đồi núi khá phổ biến. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân nên cần phải có giải pháp ngăn ngừa.
Ông Trần Ngọc Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thái (Đại Từ), cho biết: Trên địa bàn xã có hàng chục hộ dân (dọc tuyến ĐT.270) nằm dưới ta luy dương dựng đứng cao hàng chục mét nên nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn, nhất là trong mùa mưa. Với điều kiện kinh tế của người dân và nguồn ngân sách hạn chế thì việc bố trí tái định cư cho các hộ không đơn giản. Vì vậy cần hạ độ cao, giật cấp ta luy dương để đảm bảo an toàn, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do phải di chuyển hàng nghìn mét khối đất đi nơi khác; cần nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian…
Còn theo đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ: Trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ dân nằm dưới chân núi Tam Đảo đối diện nguy cơ sạt lở. Vì vậy, trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ triển khai giật cấp ta luy dương, tạm thời để đảm bảo an toàn cho người dân. Còn về lâu dài thì cần phải có biệt pháp hạ độ cao, nới rộng khoảng cách giữa nhà ở và ta luy. Những hộ cần vận chuyển khối lượng đất lớn đi nơi khác thì gặp khá nhiều khó khăn do vướng Luật Đất đai và Luật Khoáng sản.
Gần đây, gia đình ông Đặng Văn Nam ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ (Phú Lương), có đơn xin phép hạ độ cao do nhà ở nằm cách ta luy dương chỉ khoảng 3m. Qua đánh giá của UBND xã Phấn Mễ, để hạ độ cao của gia đình ông thì số lượng đất cần phải vận chuyển đi là hàng nghìn m3 và vượt thẩm quyền của xã.
Ông Đặng Văn Nam chia sẻ: Nhà ở dưới chân ta luy dương nên mỗi khi thời tiết mưa là tôi rất lo lắng. Sau trận mưa hồi cuối tháng 5, ta luy đã xuất hiện vết nứt nên có thể sạt lở bất cứ lúc nào…
Được biết, địa phương đã hướng dẫn ông Nam hoàn thiện thủ tục, sau đó huyện về thẩm định rồi báo cáo tỉnh xin ý kiến. Nếu tỉnh đồng ý thì mới được vận chuyển đất đi.
Cũng có chung tâm trạng lo lắng, ông Bùi Văn Minh ở xã Vô Tranh cho biết: Nhà tôi ở gần ta luy dương cao hơn 10m, sau trận mưa hồi cuối tháng 5 vừa qua, gần 80m3 đất sạt xuống khu vực gần nhà. Mỗi khi thời tiết mưa, gia đình tôi rất lo lắng, nhưng việc san gạt, hạ độ cao có khối lượng đất lớn thì không được phép. Ngay cả khối lượng đất bị sạt lở cũng không tìm được chỗ đổ. Nếu đổ ra nương chè hoặc những khu vực đất trũng thì vi phạm vì tự ý san, gạt đất trái phép…
Ông Ma Tiến Kốp, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT (cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cưu nạn) huyện Phú Lương, cho biết: Huyện đang yêu cầu các xã rà soát, báo cáo những trường hợp người dân sinh sống gần ta luy dương có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét. Chỉ riêng xã Yên Lạc có tới 45 hộ dân trong diện như vậy. Các trường hợp này cần được di dời hoặc phải hạ độ cao ta luy dương để đảm bảo an toàn.
Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai, nguy cơ sạt lở, lũ quét cao; tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa.
Như vậy, với số lượng lớn các hộ dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao thì khó thực hiện được việc di dời đến nơi ở mới bởi cần quỹ đất, nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, việc giật cấp, hạ độ cao ta luy dương vẫn là giải pháp hợp lý trong điều kiện hiện nay. Nhưng để làm được điều đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần vào cuộc, hướng dẫn cụ thể để chính quyền các địa phương, người dân triển khai kịp thời và thuận tiện.