Nhiều giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu

07:55, 19/07/2022

Trong phiên thảo luận tổ chiều 19-7, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh và ĐB khách mời đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm của tỉnh; khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đề xuất giải pháp để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu cả năm, cũng như trong việc triển khai có hiệu quả các nghị quyết, khi được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp này.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trước bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, giá nhiều nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, các ĐB HĐND tỉnh cho rằng để hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH cả năm, những tháng còn lại, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Các ĐB thảo luận tại tổ 1.

ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ TP. Phổ Yên) cho biết: Hiện nay, các nhà thầu thi công dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang bị đội vốn hoặc phải tạm dừng, giãn tiến độ thi công do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. DN mong muốn tỉnh cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn này. Còn ĐB Nguyễn Đức Lượng (Tổ TP. Thái Nguyên) kiến nghị: Cho phép các dự án được sử dụng xỉ nhà máy điện để san lấp mặt bằng thay thế cho đất do nguồn cung từ đất hiện nay gặp khó khăn và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cùng với các giải pháp nêu trên, theo các ĐB Đoàn Thị Hảo, Lê Thị Thu An (Tổ TP. Thái Nguyên): Tỉnh cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chương trình này. Còn ĐB Dương Văn Lượng (Tổ TP. Thái Nguyên) cho rằng: Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tỉnh cần tiếp tục quan tâm thực hiện rà soát và đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn…

Ngoài ra, một số ĐB cũng đề nghị tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án; có giải pháp cụ thể để ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp; chú trọng hơn đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số; có giải pháp để cải thiện chỉ số PCI và PAPI, vì đây là 2 chỉ số mà tỉnh bị tụt hạng trong năm 2021 so với các năm trước đó.

Quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri

Liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, một số ĐB mong muốn: Tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, đặc biệt là các thủ tục liên quan chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chia, tách đất; chuyển mục đích sử dụng đất.

Các ĐB phát biểu thảo luận tại tổ 3.

Cùng với đó, cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công đối với một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh, như dự án đường Bắc Sơn kéo dài, để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.

Về việc sắp xếp các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố sau khi thực hiện sáp nhập: Một số ĐB đề nghị tỉnh cần sớm có giải pháp về quản lý đất đai để giải quyết “bài toán” thừa số lượng nhưng thiếu diện tích sử dụng. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà văn hóa giúp người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng đảm bảo.

Ngoài ra, trước tình trạng một số nơi, hệ thống phục vụ tưới tiêu ngày càng xuống cấp, một số ĐB đề nghị, cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đối với việc đóng góp các khoản thu đầu năm học mới, một số ĐB cho rằng, tỉnh cần chỉ đạo các trường học nghiêm túc thực hiện việc thu, chi theo quy định, vì thời gian qua, chưa thống nhất giữa nhiều trường, nhất là trong việc thực hiện xã hội hóa đầu tư trang thiết bị phục vụ việc dạy và học.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Tại Kỳ họp lần này, nhiều nghị quyết sẽ được ban hành xuất phát từ ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của cử tri. Tuy nhiên, theo nhiều ĐB, vẫn còn có những quy định trong dự thảo nghị quyết chưa thực sự phù hơp trên thực tế.

ĐB Hà Thị Hường (Tổ huyện Phú Lương) kiến nghị: Cần sửa đổi quy định giảm từ 5 tiết/buổi còn 4 tiết/buổi đối với báo cáo viên, giảng viên tại Dự thảo Nghị quyết quy định nội dung chi và mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng những người không hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước tỉnh, để thống nhất với Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND, ngày 12/8/2021 của HĐND tỉnh quy định về một số mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh.

Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, ĐB Đặng Hoàng Nhâm (Tổ huyện Đại Từ) cho rằng: Cần xem xét điều chỉnh mức chi đối với cán bộ thú y ngang bằng với các chức danh hoạt động không chuyên trách khác, đặc biệt là để đảm bảo sự thống nhất với Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ lực lượng nhân viên thú y, cộng tác viên thú y trên địa bàn tỉnh.

Còn theo ĐB Lê Thị Thu An (Tổ TP. Thái Nguyên): Để các nghị quyết liên quan đến việc hỗ trợ ở cơ sở, khi thực hiện phải xây dựng các hướng dẫn chi tiết, cụ thể; đồng thời tổ chức tập huấn, tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện; tránh những sai sót không đáng có…