Phú Bình: Nhiều chợ xuống cấp, địa phương gặp khó

07:07, 11/07/2022

Huyện Phú Bình hiện có 15 chợ nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, hạ tầng các chợ này đều đã xuống cấp. Mặc dù địa phương đã thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nhưng đến nay việc triển khai vẫn đang gặp không ít khó khăn, bất cập.  

Đa phần các chợ trên địa bàn Phú Bình như: Đồn (xã Kha Sơn), Tân Đức (xã Tân Đức); Cầu (xã Nhã Lộng); Hanh (xã Điềm Thụy)… họp theo phiên. Riêng chợ Úc Sơn và Cầu Mây được phân loại là chợ hạng II, họp vào tất cả các ngày.

Do được đưa vào sử dụng đã nhiều năm, hiện nay phần mái của nhiều chợ (được lợp bằng tấm pro xi măng) đã bị vỡ, ải; đường điện, đường giao thông nội bộ xuống cấp; hệ thống thoát nước thải không đảm bảo; không có công trình vệ sinh công cộng… gây ô nhiễm môi trường.

Chị Dương Thị Thịnh, tiểu thương bán quần áo ở chợ Hanh, xã Điềm Thụy, cho hay: Chợ đang xuống cấp nghiêm trọng. Riêng chỗ tôi ngồi, các tấm lợp bị thủng. Mỗi khi trời mưa to, tôi phải mang chậu ra hứng để nước mưa không làm ướt hàng.

Bên trong chợ Hanh, xã Điềm Thụy.

Trước thực tế trên và thực hiện Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND, ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, năm 2018, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, trình và được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình tổ chức (doanh nghiệp hoặc hợp tác xã) kinh doanh, khai thác, quản lý chợ trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020; lựa chọn 8 chợ là Cầu Mây, Úc Sơn, Đồn, Tân Đức, Hanh, Tân Khánh, Cầu và Bảo Lý để chuyển đổi; xây dựng phương án, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư tham gia khai thác, quản lý chợ…

Năm 2019, Phú Bình đã lựa chọn chợ Úc Sơn và Cầu Mây để tổ chức đấu thầu, mời gọi doanh nghiệp khai thác, quản lý. Kết quả, Công ty CP Đầu tư chợ miền Bắc đã trúng thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Úc Sơn, kể từ ngày 1/12/2019. Đối với chợ Cầu Mây và các chợ còn lại, đến nay địa phương vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp hay hợp tác xã tham gia quản lý, đầu tư.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Bình cho biết: Hiện nay, các chợ trên địa bàn đều là chợ nông thôn, họp theo phiên (trung bình mỗi tuần từ 2-3 phiên), thường chỉ họp vào buổi sáng, diễn ra trong vài giờ nên nguồn thu từ hoạt động của chợ thấp… Cùng với đó, quy trình chuyển đổi chợ còn phức tạp; các sở, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về xây dựng phương án chuyển đổi, hướng dẫn bộ tiêu chí để xây dựng hồ sơ mời thầu và đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đấu thầu. Bởi vậy, việc thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm đầu tư phát triển chợ trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ vấn đề này, huyện đã kiến nghị các sở, ngành của tỉnh hướng dẫn cụ thể; đề xuất UBND tỉnh đưa chợ đầu mối Điềm Thụy (quy mô 20ha) vào chương trình Phát triển thương mại của tỉnh giai đoạn 2021-2025 để thu hút doanh nghiệp đầu tư; chỉ đạo các xã bố trí ngân sách, đồng thời tuyên truyền, vận động thương nhân kinh doanh tại chợ đóng góp tiền để cải tạo, nâng cấp các hạng mục chợ xuống cấp…