Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão đầu tiên trong năm 2022. Theo đó, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện mưa lớn diện rộng kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, đô thị.
Theo đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN): Ngày 30-6, đơn vị đã tham mưu cho Ban Chỉ huy của tỉnh ban hành công điện yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đối với UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, đá. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, thời điểm này, huyện Đại Từ được xác định 3 địa điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đó là: Xóm Ao Soi, xã Na Mao; xóm Chiểm, xã Quân Chu và xóm Lưu Quang, xã Minh Tiến. Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, thông tin: Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của Cơn bão số 1 và mưa lũ sau bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát những nhà ở không an toàn, khu dân cư ven sông, suối; khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản và sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, huyện yêu cầu khi có mưa, bão, chính quyền địa phương phải cử người canh gác, kiểm soát giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn và cắm biển cảnh báo, lập rào chắn không cho người và phương tiện qua lại, đặc biệt nghiêm cấm người dân vớt củi và các vật trôi nổi trên sông suối khi lũ về.
Còn tại huyện Định Hóa, tình trạng sạt lở đá do mưa bão cũng đang là mối lo của nhiều hộ dân sinh sống xung quanh khu vực núi Nản. Theo ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Đối với các địa phương có nguy cơ sạt lở cao, huyện đã yêu cầu phát dọn cây cối ở những khu vực có dấu hiệu sụt lún đất nhằm kịp thời phát hiện và xử lý, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Đồng thời, sẵn sàng di dời các hộ dân khi bão số 1 có diễn biến phức tạp.
Đối với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị quản lý các hồ, đập lớn trên địa bàn tỉnh cũng đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là những hồ thủy lợi xung yếu. Theo đó, trước khi xả lũ, Công ty sẽ có thông báo sớm cho các địa phương và người dân và bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng vận hành, điều tiết và xử lý các tình huống.
Nhận định về Cơn bão số 1, ông Trần Quốc Hưng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh, cho biết: Bão số 1 có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy bão số 1 có quỹ đạo di chuyển khá phức tạp. Vì vậy, để đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo sát nhất, đơn vị đã tổ chức thay phiên trực 24/24 giờ, nhằm cập nhật thường xuyên diễn biến bão phục vụ công tác PCTT-TKCN của tỉnh.