Chiều 7-7, tại Trung tâm Thương mại Danko Plaza Thái Nguyên, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo PCI tỉnh; đại diện Hiệp hội, các hội doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh…
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Theo kết quả đánh giá của VCCI, điểm số PCI năm 2021 của Thái Nguyên là 64,81 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành, tụt 17 bậc (giảm 1,75 điểm) so với năm 2020, thuộc nhóm khá của cả nước.
Đối với chỉ số DDCI, đây là năm đầu tiên Thái Nguyên triển khai khảo sát sự hài lòng của cộng đồng DN đối với 2 nhóm, gồm 11 sở, ban, ngành và 9 huyện, thành, thị về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh. Có hơn 1.000 DN, hợp tác xã được tiến hành khảo sát.
Kết quả cho thấy, với thang điểm tối đa 100, điểm trung bình của nhóm các sở, ban, ngành là 85,97 điểm; của các địa phương là 84,21 điểm. Trong đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh (89,17 điểm) và TP. Sông Công là 2 đơn vị dẫn đầu trong các khối. Sở Xây dựng (77,65 điểm) và huyện Phú Bình (81,25 điểm) có chỉ số thấp nhất khối.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Giấy chứng nhận cho những đơn vị có Chỉ số DDCI cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương các đơn vị đạt kết quả xếp hạng DDCI cao. Đồng thời mong muốn thời gian tới, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách; luôn sát cánh, đồng hành với cộng đồng DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, gia tăng lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, DN...
Bày tỏ sự ấn tượng về những kết quả của tỉnh Thái Nguyên trong những năm gần đây, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2022, đồng chí Chủ tịch VCCI đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Đồng tình với đánh giá của tỉnh về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các chỉ số, đồng chí nhấn mạnh: Thái Nguyên cần coi PCI là công cụ hiệu quả để đánh giá môi trường kinh doanh, từ đó có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Đánh giá cao cách làm của Thái Nguyên trong việc triển khai DDCI, Chủ tịch VCCI cho rằng đây là cơ hội để lan tỏa và thúc đẩy tinh thần cải cách hành chính, nâng cao vai trò và tiếng nói của cộng đồng DN. Đồng chí tin tưởng, với cách làm hiệu quả, sáng tạo, Chỉ số PCI của tỉnh trong những năm tới chắc chắn sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, đại diện VCCI cũng phân tích, làm rõ thêm kết quả PCI của tỉnh và chia sẻ một số kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của các địa phương trong việc nâng cao chỉ số này…
Tại Hội nghị, Hiệp hội DN tỉnh đề xuất 5 nội dung với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa để DN hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu tại Hội nghị.