Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp (DN), doanh nhân để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên.
Từ đầu năm đến nay, một số sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại với DN, nhà đầu tư. Mở đầu là hai địa phương có sức đóng góp lớn cho chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh với nhiều DN FDI đứng chân là TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên. Các hội nghị đối thoại với DN của hai địa phương này đều có sự tham gia của Ban Chỉ đạo PCI tỉnh cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tiếp đó, Cục thuế tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cũng tổ chức đối thoại với DN để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Sau các buổi đối thoại vừa qua, cộng đồng DN, doanh nhân và dư luận xã hội đánh giá rất cao sự tiếp thu, tư vấn, giải quyết kịp thời, hiệu quả của chính quyền đối với các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của DN.
Từ kết quả tích cực trên, UBND tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2022 phải tổ chức được nhiều hơn các hội nghị đối thoại, từ đó tạo nền nếp cho các năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại với cộng đồng DN, hợp tác xã.
Mục tiêu chính là gặp gỡ, trao đổi, đồng hành với DN, doanh nhân, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và cam kết của các ngành, các cấp trong cải cách hành chính, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh phải có trách nhiệm phối hợp tổ chức đối thoại đảm bảo chất lượng, thực chất và hiệu quả, giải quyết các vướng mắc kịp thời ngay từ cơ sở, khi mới phát sinh.
Tất cả các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tuỳ theo từng lĩnh vực mà tổ chức đối thoại để giải quyết dứt điểm các vướng mắc của DN liên quan đến lĩnh vực mình quản lý.
Hình thức đối thoại phải đa dạng, phong phú, phù hợp với từng khu vực DN, từng lĩnh vực tham gia; khuyến khích các sáng kiến nhằm rút ngắn quy trình, đơn giản hóa nội dung thủ tục hành chính, tạo sự đột phá về thu hút đầu tư vào Thái Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh phải xây dựng kế hoạch đối thoại chi tiết, cụ thể với DN, báo cáo tỉnh ngay từ đầu tháng 8-2022.
Để tránh trường hợp hình thức, làm cho có để rồi quên lời hứa với DN, người đứng đầu chính quyền tỉnh chỉ đạo, tại các hội nghị đối thoại, các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, đề nghị hướng dẫn của DN, nhà đầu tư phải được ghi chép đầy đủ, tổng hợp nội dung trả lời, hướng dẫn của các sở, ban, ngành liên quan.
Trên cơ sở đó, trong thời gian 7 ngày kể từ ngày kết thúc hội nghị, cơ quan chủ trì đối thoại phải ban hành văn bản chính thức trả lời, phúc đáp đầy đủ từng ý kiến và gửi trực tiếp đến DN, nhà đầu tư và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Hoạt động đối thoại có thể được sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều lần trong năm sao cho giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của DN. Các cuộc đối thoại lần đầu được yêu cầu phải xong trong tháng 8-2022.
Như vậy có thể thấy, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển trong một môi trường đầu tư tốt nhất. Cộng đồng DN, doanh nhân kỳ vọng hoạt động đối thoại giữa chính quyền với DN trở thành diễn đàn thường xuyên, tổ chức trên cơ sở dân chủ, cởi mở, minh bạch để cùng đồng hành vì mục tiêu phát triển.